Hành trình 10 năm táo mèo xuất ngoại
“Táo mèo - Một tình yêu” trang ghi chép đầu tiên trong cuốn sổ tay cách đây cả thập kỷ của bà Nguyễn Thị Thanh Hương (TGĐ Công ty Lộc Hương, chuyên nhập khẩu các sản phẩm hoá mỹ phẩm từ CHLB Đức), chính là bước khởi đầu cho hành trình xuất ngoại của loại quả đặc sản Tây Bắc này. Táo mèo sinh ra trong khắc nghiệt của đại ngàn, cho đủ vị đắng - chát - chua - ngọt, được bà Hương ví như thứ quả của tình yêu, làm nên loại rượu tình yêu nổi tiếng vùng cao. Và tình yêu của bà Hương, người con của núi rừng Tây Bắc dành cho loại quả này cũng rất đặc biệt.“Tôi chọn táo mèo vì 4 tiêu chí: bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo bền vững, sản phẩm có tính xã hội hóa cao, và đảm bảo an ninh biên giới”, bà Hương cho hay.
“Hãy nghĩ những điều chưa ai nghĩ tới, hãy làm những việc chưa ai làm được" là triết lý tập đoàn Hương Sen tâm đắc, được Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hương Sen) lan tỏa tới cán bộ nhân viên, đối tác.
Lật dở từng trang sổ ghi chép, bà Hương nhớ lại: “Ngày 9/11/2012, tôi cùng TW Hội Liên hiệp Phụ nữ lên kiểm tra dự án tại xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải, Yên Bái). Xã vùng cao có 4306 nhân khẩu, 9 thôn bản với 750 hộ, 646 hộ nghèo. Đất trồng đã có táo mèo ước tính sản lượng 250 tấn. Năm 2012 tôi làm như vậy, và năm 2016, tổ hợp kinh tế miền núi Yên Bái đã hình thành. Đến bây giờ, tôi sẽ làm tổ hợp kinh tế tuần hoàn”.
Ngày đầu khảo sát vùng dược liệu, bà Hương xót xa cho biết, năm 2012, táo mèo chỉ 500 - 1.000 đồng/kg bán đổ đống. Khi ấy, với quyết tâm nâng giá trị loại quả này xứng với tiềm năng, bà Hương đặt biên độ dao động cho táo mèo lên đến 30.000 đồng/kg, và giờ đã thành hiện thực. “Phải phát triển cho được vùng dược liệu xong rồi mới làm nhà máy. Còn việc phát triển thương mại, phải làm từ điều nhỏ nhất, để gây dựng niềm tin cho dân bản, đảm bảo cho họ được làm việc tại chỗ, không du canh, du cư. Cây táo mèo mọc ở những vùng cao nhất, đường lên dốc thẳng đứng, chỉ có người H’Mông làm được”, bà Hương quả quyết.
Bà Hương trong một buổi làm việc cùng đối tác nước ngoài, ve cổ áo mang quốc kỳ Đức là trang phục đặc trưng của công ty |
Đến nay, táo mèo qua chế biến thành trà, rượu vang đã là sản phẩm xuất khẩu, hướng tới thị trường châu Âu, Đức. “Xúc động lắm. Đối với mình như vậy là phần thưởng lớn nhất”, bà Hương nói. Chọn trà táo mèo là sản phẩm lõi để tiến vào thị trường châu Âu, bà Hương cho biết rất tự hào về nét văn hóa trà Việt, điều có thể chinh phục bạn bè quốc tế, tạo cầu nối văn hóa giữa các nước.
Tại công ty của bà, mùa này tràn ngập những bình táo mèo, lúa tươi cắm trên nền cờ Việt - Đức. Toàn bộ nhân viên công ty mặc đồng phục sơ mi trắng, 2 ve cổ áo có quốc kỳ Đức. Với mảng hàng Đức, công ty bà Hương ghi dấu thành công với chuỗi siêu thị “Ngôi Nhà Đức”, là đơn vị nhập khẩu, phân phối hàng nhiều sản phẩm tiêu dùng của Đức tại Việt Nam. Cũng chính tình yêu, những am hiểu thị trường, văn hóa Đức, đã dẫn bà Hương tới cơ duyên hợp tác lớn, cùng những người chung chí hướng.
“Hương Sen” tỏa ngát
Bà Hương (áo đen) đến khảo sát vùng dược liệu táo mèo (Yên Bái) cách đây 10 năm |
Qua lời kể của bà Hương, còn có một cơ duyên, “tình yêu” đặc biệt trong kinh doanh của bà, là được làm việc, hợp tác cùng Tập đoàn Hương Sen. Bà Hương giải thích: “Tôi chọn nước Đức vì đây là cường quốc số 1 châu Âu, chinh phục được thị trường khó tính này, một chân trời mới sẽ mở ra. Còn trong nước, tập đoàn có tâm, tầm, tiềm lực, kinh nghiệm hợp tác với Đức chính là Hương Sen. Tôi may mắn được làm việc với các đơn vị hàng đầu như vậy”. Ngay từ năm 1996, Tập đoàn Hương Sen đã đầu tư xây dựng nhà máy bia – rượu – nước giải khát với thiết bị, máy móc hiện đại bậc nhất, nhập khẩu hoàn toàn từ Đức. Đến nay, nhà máy bia Đại Việt là một trong những nhà máy hiện đại và đồng bộ nhất Đông Nam Á, công suất 200 triệu lít/năm, nhiều công đoạn đã sẵn sàng để nâng lên 400 triệu lít/năm.
Bia Đại Việt được Đại sứ quán Đức tại Việt Nam lựa chọn cho các dịp quan trọng, như dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Và năm 2020 vừa qua, chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức và 30 năm Ngày Quốc khánh Đức, Tập đoàn Hương Sen tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa Việt - Đức (Kulturfest 2020). Sự kiện là cầu nối thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước nói riêng và giữa Việt Nam và các nước châu Âu nói chung.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Kulturfest 2021 chưa thể diễn ra, nhưng chương trình vẫn được các bên chuẩn bị, theo nhiều phương án khác nhau. Kulturfest 2021 sẽ đánh dấu mốc 1 năm ngày Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam có hiệu lực.
Ông Tony Lê (Ban tổ chức kinh doanh và Xúc tiến thương mại Việt Nam - Đức, Tập đoàn Hương Sen) đánh giá, EVFTA đã mở ra trang mới trong công cuộc hợp tác Việt Nam - Đức. “Đức là nước dẫn đầu trong khối châu Âu, hàng Việt Nam nếu vào được Đức, thì các quốc gia, đối tác khác sẽ sẵn sàng tiếp nhận. Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tôi vẫn tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến được hợp đồng với đối tác Đức cho một số đơn vị xuất khẩu thủy sản phía Nam, đơn vị về trang thiết bị y tế hỗ trợ COVID-19. Hiện tại, chúng tôi có một số kế hoạch mới, trong đó có dự án thu hồi khí thải CO2 tại các nhà máy ở Việt Nam, và chương trình điện năng lượng”, ông Tony cho biết.
“Hương Sen đặt mục tiêu là tập đoàn thương mại với chuỗi cửa hàng trên toàn quốc, bố trí cơ cấu 50% hàng nhập khẩu, 50% hàng đủ điều kiện xuất khẩu trong nước. Đây chính là điểm khác biệt nhất của chúng tôi với các mô hình hiện nay: đưa văn hóa từ miền xuôi đến miền ngược”, đại diện tập đoàn chia sẻ.