Theo thông tin do WB ban hành, một trong hai dự án đó là dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng. Dự án này thực hiện từ năm 2008 - 2013. Chiều 4/4, trả lời Tiền Phong qua điện thoại, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, ông chưa đọc báo cũng như chưa nhận được thông tin nào nói về sự việc trên nên chưa thể trả lời báo chí. “Khi nào có văn bản chính thức của chính phủ, của Trung ương gửi Đà Nẵng thì lúc đó chúng tôi mới xử lý. Những việc này phải có thông tin chính thống” - ông Thơ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng do WB tài trợ có tổng mức đầu tư là 218,471 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA của WB là 152,438 triệu USD; vốn đối ứng trong nước là 66,033 triệu USD. Dự án do Sở GTVT thành phố làm chủ đầu tư với tổng cộng 4 hợp phần được thực hiện, gồm: Nâng cấp khu vực đô thị, cải tạo cơ sở hạ tầng môi trường, xây dựng cầu đường, nâng cao năng lực và hỗ trợ thực thi dự án. Chiều qua, PV Tiền Phong cũng cố gắng liên lạc với ông Đặng Việt Dũng – Bí thư quận ủy Hải Châu để tìm hiểu thêm thông tin nhưng bất thành. Ông Dũng chính là giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng trong giai đoạn Sở này làm chủ đầu tư dự án trên.
Theo tìm hiểu, dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng được thực hiện thông qua việc triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu thu nhập thấp, khu tái định cư và chương trình cho vay cải tạo nhà ở. Dự án đã nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 cho 13 khu thu nhập thấp với các hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống đường bê-tông nhựa, bê-tông xi-măng kiệt hẻm, đường dây điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước, thoát nước và đấu nối thoát nước và cơ sở hạ tầng xã hội gồm các nhà cộng đồng, trường mẫu giáo, chợ. Ba khu tái định cư (Thanh Khê Tây, Hòa Minh, Hòa Quý) với tổng diện tích 18,3 ha; 3 chung cư (diện tích sàn xây dựng 18.000m2) và một trường học 20 phòng bảo đảm điều kiện học tập cho con em các hộ bị ảnh hưởng dự án cũng đã hoàn thành, bàn giao cho nhân dân sử dụng với 212 căn hộ, 586 lô đất.
Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở trị giá 1 triệu USD do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng quản lý, thực hiện theo cơ chế vay lại với lãi suất ưu đãi 4%/năm cũng đã giúp cho nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tính đến cuối tháng 6/2013, quỹ đã giải ngân gần 2.000 món vay với tổng số tiền 28,320 tỷ đồng, trong đó 1.792? món vay mục đích cải tạo nhà ở với số tiền 26,845 tỷ đồng.
Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư, thu nhập thấp, dự án còn xây dựng nhiều công trình trọng điểm khác như cầu đường Nguyễn Tri Phương đi Hòa Quý với hơn 6,83 km, đường vành đai phía Nam (hơn 6,45 km).
Những dự án lớn tại Việt Nam của LBG bị World Bank cấm cửa
Ngoài 2 dự án được Ngân hàng Thế giới cho là có tham nhũng gồm dự án Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng, Louis Berger còn thiết kế Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa quyết định không cho phép Công ty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) tham gia vào các hợp đồng sử dụng vốn của mình, do có liên quan đến hành vi tham nhũng trong 2 dự án tại Việt Nam. Thời hạn “cấm cửa” kéo dài một năm, đồng thời công ty mẹ của LBG cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án World Bank.
Louis Berger từng nhận nhiều giải thưởng từ tạp chí công trình Engineering News-Record và Hội đồng các Công ty Kỹ thuật Mỹ (ACEC) - được ví như giải Oscar của ngành kỹ thuật.
Tại Việt Nam, hãng có văn phòng tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) và từng đặt văn phòng tại Hà Nội. Ngoài 2 dự án được World Bank nêu tên có sai phạm, là Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng, hãng còn có 3 dự án khác là Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
Tháng 10/2010, Louis Berger Group từng phải nộp phạt 69,3 triệu USD do bị cáo buộc trình lên Chính phủ hóa đơn có những chi phí không liên quan đến các dự án tái thiết tại Afghanistan. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất khi đó mà một nhà thầu trong khu vực chiến sự phải trả cho Chính phủ Mỹ.
BTV
(Theo VNE)