Nghèo thích… xài sang

Nghèo thích… xài sang
TP - Việc triển khai các dự án đường sắt đô thị (metro) ở Hà Nội và TPHCM làm nhiều người rầu nhiều hơn vui. 

Rầu vì người dân nhiều nơi chưa có cầu, phải đu dây, thậm chí chui vào bao nilon để qua sông, đặt cược sinh mạng cho hà bá. Ở đâu đó trên đất nước mình,  nhiều gia đình vẫn chưa đủ cơm ăn, áo mặc.

Những đứa trẻ nghèo vùng cao chưa có áo ấm, đến trường trên đôi chân trần, co ro trong giá rét tê tái những sớm mùa đông.

Đất nước còn nghèo nhưng Việt Nam vẫn đi vay nước ngoài hàng tỷ USD để đầu tư phát triển. Đương nhiên, muốn đất nước phát triển, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện và nâng cao thì phải đầu tư, âu đó cũng là quy luật. Nhưng làm gì cũng phải lượng sức. Không lo lắng sao được khi các dự án, công trình đi vay hàng tỷ đô la để làm liên tục đội vốn, trong đó đặc biệt phải kể đến là các dự án metro. Từ 1,2 tỷ USD ban đầu, vốn đầu tư tuyến metro số 1 hiện nay đã vọt lên gần 2,5 tỷ USD còn tuyến metro số 2 đã tăng trên 2 tỷ USD, dù ban đầu chỉ ngót nghét hơn 1 tỷ USD. Và còn đó những tuyến số 3, số 4, số 5,…, không rõ còn phải đi vay thêm bao nhiêu tỷ đô nữa mới đủ trang trải?

Một trong những nguyên nhân đội vốn là do chúng ta chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm trong quản lý đầu tư, dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài từ năm này sang năm khác, dẫn đến nguy cơ phải bồi thường cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1 hàng chục triệu USD do vi phạm hợp đồng.

Công bằng mà nói, để giải quyết bài toán giao thông đô thị, sớm hay muộn Việt Nam sẽ phải triển khai thực hiện quy hoạch giao thông đã được chính phủ phê duyệt, trong đó có các dự án metro tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Nhưng có nên làm vào lúc này khi thế và lực của chúng ta chưa đủ và nợ công đã sắp chạm đến ngưỡng mất an toàn?

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng có nhiều loại hình phù hợp hơn so với metro. Một trong số đó là xe buýt nhanh (BRT) chạy bằng khí ga CNG. Sức chở của BRT tương đương metro nhưng suất đầu tư chỉ từ 1,2 - 5,1 triệu USD/km, trong khi theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM thì suất đầu tư tuyến metro số 1 đã lên tới 130 triệu USD/km, gấp hàng chục lần BRT. Ngoài ra, thời gian thi công một tuyến metro trung bình từ 4-6 năm, còn BRT chỉ mất từ 12 - 18 tháng, có thể giải quyết ngay thực trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày trầm trọng tại các thành phố lớn. Không những thế, BRT có thể sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hết làm trụ sở nguy nga lại đến dự án hoành tráng. Dường như căn bệnh nghèo thích xài sang đã hết thuốc chữa?

MỚI - NÓNG