Chuyện của người học trò dưới chân Đèo Ngang (Hà Tĩnh):

Nghèo, liều và thành công

Nghèo, liều và thành công
TP - Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu châm ngôn của người phương Tây: “Khi anh chưa liều một phen thì đừng hỏi mình được cái gì”. Chữ “liều” ở đây theo tôi nghĩ đấy là ý chí quyết đoán, xông pha, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nghèo, liều và thành công ảnh 1
Ông Hồ Gia Bảo

Vận dụng câu châm ngôn ấy vào cậu học trò nghèo quê ở dưới chân Đèo Ngang dọc cuộc hành trình 30 năm, tôi nghiệm thấy đúng.

Tôi biết Hồ Gia Bảo năm 1972, khi đang là học trò của Trường cấp III Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Gia cảnh của Bảo vào loại nghèo nhất của lứa học sinh thời ấy. Gia Bảo phải bữa rau bữa cháo, gắng học xong chương trình phổ thông.

Một túp lều tranh của đôi vợ chồng nông dân nghèo có đến 7 đứa con ở vùng quê nghèo nhất nước làm sao lo được kinh phí học tập khi Bảo thi đỗ trường Đại học Y khoa Hà Nội. Hồ Gia Bảo cũng từ bỏ luôn giấc mơ sinh viên tại khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An) về học tại Trường Sư phạm 10+3 Hà Tĩnh.

Tốt nghiệp loại xuất sắc, Bảo được ngành Giáo dục đưa về trường cấp II Kỳ Tân, Kỳ Anh, một trong những đơn vị xuất sắc của miền Bắc hồi bấy giờ, công tác.

Hết thời gian tập sự, Gia Bảo được cử làm Tổ trưởng Tổ tự nhiên. Hai năm sau được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng.

Sau đó, Hồ Gia Bảo được chuyển về làm cán bộ nguồn ở Huyện Đoàn Kỳ Anh. Năm 1989 được đề cử vào BCH Huyện ủy với chiến lược đào tạo nhân vật này thành  cán bộ chủ chốt của địa phương trong tương lai.

Nhưng rồi trên diễn đàn Đại hội Đảng bộ huyện, bản tham luận mà Hồ Gia Bảo trình bày có tính vượt trội, đi trước đón đầu về chiến lược phát triển kinh tế của huyện mà nhiều người chưa nghĩ đến nên Bảo đã bị nhóm bảo thủ công kích, vận động hành lang và anh đã trượt cấp ủy.

Nghèo, liều và thành công ảnh 2
Phía sau siêu thị sách này là Nhà máy Thiết bị giáo dục - đồ chơi trẻ em        Ảnh: V.M.C

Từ đó, thầy giáo trẻ này quay lại với ngành Giáo dục và học thêm Đại học Kinh tế. Trong quá trình công tác, thành công của Hồ Gia Bảo đã ghi dấu rõ nét trên đất học Kỳ Anh, bằng việc đưa Trường Tiểu học Kỳ Hưng thành Trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Hà Tĩnh; góp nhiều công đưa Trường THCS Kỳ Tân đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới đầu tiên của cả nước ở cấp học này; xây dựng Trường THCS Thị trấn Kỳ Anh thành điển hình xuất sắc nhiều năm của Hà Tĩnh.

Thêm một thành công mà người dân địa phương luôn nhắc đến Hồ Gia Bảo là chương trình xây dựng vườn rừng với quy mô hàng ngàn ha cho các trường học ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê. Nhiều trường đã thu lợi hàng tỷ đồng từ việc trồng rừng.

Với 20 năm làm quản lý giáo dục, khi phụ trách đơn vị nào thầy giáo Hồ Gia Bảo cũng đưa cơ sở của mình giành vị trí xuất sắc.

Thành tích tuy vượt trội nhưng con người này không có vị trí trong bộ khung cán bộ lãnh đạo của ngành, bởi vì tính thẳng thắn dám đấu tranh. Một lần anh đã phê bình quyết liệt giữa đại hội một Chủ tịch Công đoàn ngành vì lấy thơ người khác in sách ghi tên mình... nhưng rồi vị cán bộ Công đoàn ngành này vẫn tại vị và leo cao hơn, nhiều phen cản trở công việc của Hồ Gia Bảo.

Năm 2002, ông Bảo được UBND tỉnh điều về làm “cầu nối” giữa Hà Tĩnh với Trung ương, xây dựng đề án thành lập Đại học Hà Tĩnh.

Thời bao cấp, Cty sách thiết bị trường học Hà Tĩnh là nơi “mâm cao cỗ đầy” dành cho người tốt số. Năm 2002, khi xã hội hóa giáo dục, việc phát hành sách giáo khoa không còn là độc quyền của đơn vị này. Giám đốc cũ rời Hà Tĩnh ra Hà Nội. Một hiệu trưởng trường THPT được điều về thế chân... không trụ được cơ chế thị trường cũng đã vội vàng xin ra đi. Đội ngũ nhân viên ở đây lo lắng. Thầy giáo Hồ Gia Bảo được điều về làm giám đốc. Đơn vị được tiến hành cổ phần hóa trong tiếng thở dài của nhiều nhân viên.

Ông Bảo vay thêm 10 tỷ đồng mở hướng làm ăn mới. Tại buổi khởi công xây dựng nhà sách Nguyễn Công Trứ ở một vùng ven thành phố nhiều cán bộ Cty sách than vãn: “Ai đó can ngăn ông Bảo giúp chúng tôi... nếu cứ để ông ấy liều thế này... thì cả cơ quan gánh không hết nợ”.

Hà Tĩnh sẽ trở thành khu trọng điểm kinh tế trong 5-10 năm tiếp theo khi chương trình khai thác sắt Thạch Khê và luyện thép được mở ra ở Hà Tĩnh. Khu công nghiệp Vũng Áng với trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước và thương cảng lớn nhất miền Trung ra đời sẽ thu hút thêm hàng vạn lao động.

Đón đầu sự phát triển này, cuối năm 2007, Cty CP Sách thiết bị trường học Hà Tĩnh đã làm đề án xin thành lập Trường Phổ thông Tư thục nhiều cấp học, nguồn tài chính đầu tư ban đầu là 51 tỷ đồng, với sự hỗ trợ của NXB Giáo dục nhằm xây dựng một trung tâm giáo dục chất lượng cao tập hợp những mầm non tài năng trên đất học Hà Tĩnh và các vùng lân cận. Kế hoạch sẽ được triển khai vào giữa năm 2008 và sẽ đón học sinh khai giảng trong niên khóa 2009-2010.

Nhà sách ra đời chưa được một năm, ông Bảo đã tuyển 20 công nhân đưa vào TP Hồ Chí Minh học nghề sản xuất thiết bị giáo dục và đồ chơi trẻ em. Giữa năm 2006, vị giám đốc này cho khởi công xây dựng thêm một nhà máy với nguồn đầu tư khá lớn làm mọi người lo lắng thêm. Từ chỗ đơn vị cũ có 17 công nhân viên, sau 2 năm ông Bảo tuyển thêm hơn 60 nhân viên... khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn.

Vốn có “chút máu liều”, giám đốc Hồ Gia Bảo đã quyết là làm. Sau một năm nhà máy ấy cho ra đời đến 84 sản phẩm được ưa chuộng. Đây là nhà máy đầu tiên của TP Hà Tĩnh sản xuất hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn. Hơn 400 trường học của địa phương từ chỗ mua bàn ghế và đồ dùng chở từ các tỉnh phía Bắc về, nay đến đặt hàng cho nhà máy ông Bảo. Năm 2007, Cty cổ phần sách thiết bị trường học Hà Tĩnh được NXB Giáo dục nhận làm thành viên. Chỉ riêng tháng 12/2007 doanh số bán ra đạt gần 4 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước).

Một đội ngũ cán bộ tiếp thị hơn 20 người hoạt động thường xuyên. Trước đây các đơn vị giáo dục khắp cả tỉnh về Cty nhận sách, bây giờ sách của Cty, ông Bảo cho xe chở về tận các trường nên lượng hàng bán ra tăng lên gấp 1,5 lần. Doanh thu năm 2005 đạt 15 tỷ đồng, năm 2006 đạt 23 tỷ và đến năm 2007 đạt đến gần 30 tỷ. Lương bình quân của nhân viên đạt gần 1.900.000 đồng/ tháng (tăng 1,5 lần so với trước đó).

Trong 3 năm qua Cty đã làm từ thiện 500 triệu đồng, tặng quà cho học sinh nghèo mua sách giáo khoa và 100 triệu đồng, xây 3 nhà tình nghĩa và ủng hộ đồng bào lụt bão.

Từ chỗ một Cty “độc canh” về bán sách giáo khoa nay phát triển cân đối trên ba loại hình: Thương mại dịch vụ, Sản xuất hàng hoá, Liên kết đào tạo. Năm 2007 lợi nhuận tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006, vượt 1,5 lần so với kế hoạch năm. Hiện Cty có hai siêu thị sách và nhà máy sản xuất thiết bị giáo dục - đồ chơi trẻ em tại TP Hà Tĩnh, 20 đại lý thuộc các huyện thị trong tỉnh, 4 đại lý ở ngoại tỉnh gồm Hà Nội, Nghệ An và Quảng Bình.

Đây là doanh nghiệp đầu tiên của Hà Tĩnh trở thành Cty đại chúng được niêm yết thị trường chứng khoán quốc gia. Tài sản Cty lên tới hàng trăm tỷ đồng và là Cty duy nhất không còn nợ bất cứ ngân hàng nào nguồn vốn vay. 

MỚI - NÓNG