Nghệ thuật thay đổi bộ mặt Phúc Tân

Du khách chụp lưu niệm với Thành phố ven sông của Nguyễn Ngọc Lâm ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Du khách chụp lưu niệm với Thành phố ven sông của Nguyễn Ngọc Lâm ảnh: Nguyễn Thế Sơn
TP - Không ít người dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng chưa một lần đến đây. Kể cả giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cho đến khi anh được quận Hoàn Kiếm mời làm một dự án nghệ thuật để đánh thức nơi này. Nơi trưng bày tác phẩm trông ra một vùng đất rộng, chính là bãi sông phủ đầy cây mọc tự nhiên nằm giữa hai cây cầu Long Biên và Chương Dương.

Cảnh quan đẹp nhưng hiện tại vẫn bị bỏ hoang. Gọi là nơi tập kết rác không hẳn nhưng mùi ô nhiễm bốc lên rõ rệt. Thì nó chính là mặt sau của chợ Long Biên. Tưởng tượng nơi này được quy hoạch thành công viên, vườn hoa ven sông thì phải nói là lý tưởng. Hà Nội cũng bắt đầu nghĩ đến việc này, và xác định nghệ thuật là đội quân tiên phong đem lại cho khu vực một sinh khí mới.
Đội quân gồm 16 tác phẩm dàn hàng ngang án ngữ độ 200m tường ngăn cách giữa khu dân cư và bãi sông. Từ ngõ Thanh Yên đâm thẳng ra sẽ gặp tác phẩm đầu tiên là Thuyền của Vũ Xuân Đông. Từ vỏ chai nhựa, hộp dầu nhớt xe máy, đầu xe máy hỏng… tác giả tái hiện hình ảnh đoàn thuyền buôn đang lướt sóng như thuở nơi đây còn là bến thuyền tấp nập. “Những chiếc chai nhựa bỏ đi- sản phẩm tiêu biểu của thời đại tiêu dùng, cũng là rác thải kinh hoàng hủy diệt chính dòng sông nơi đây, chúng tôi quyết định ghép chúng lại trong hình hài sông nước thuyền bè, trong dáng vẻ cổ xưa huy hoàng của lịch sử”, tác giả nói. Điều thú vị là các vỏ chai nhựa do các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn Hà Nội thu thập giúp tác giả.

Nghệ thuật thay đổi bộ mặt Phúc Tân ảnh 1 Nghỉ chân bên "tượng đài" Thánh Gióng đương đại.
Trần Hậu Yên Thế mang tới một tác phẩm giàu thông điệp lịch sử, hoài cổ từ công trình nghiên cứu Song xưa phố cũ của anh. 5 bộ hoa văn cửa sắt của các gia đình quyền quý tại Hà Nội khi xưa được dập lên tường. Hóa ra các cụ ngày xưa rất cá tính và duy mỹ. Mỗi nhà lại có một thiết kế cửa riêng với những logo kiểu gia huy. Cũng phản ánh văn hóa lịch sử địa phương theo hình thức đương đại có Phạm Khắc Quang. Anh dùng các mảnh sắt tái chế tạo hình gánh xẩm tàu điện. Còn màu sắc được tạo thành từ… túi ni-lông rác thải. Phản chiếu song hành của Cấn Văn Ân nhắc lại quá khứ sống chung với lũ của chính vùng đất này. Anh dựng mô hình một con thuyền-phương tiện tránh lũ quen thuộc của người dân nơi đây 20 năm trước. Ngày nay các công trình thủy điện đã khiến mực nước cạn kiệt, nhưng lại tạo nên một cảnh quan tự nhiên xanh tốt. Tất cả được phản chiếu trong 5.000 mảnh gương gắn lên lòng thuyền. 
Nghệ thuật thay đổi bộ mặt Phúc Tân ảnh 2 Trẻ em vui chơi bên Con voi vàng của George Burchett.
Rồng rắn lên- dự án nghệ thuật đã tham dự nhiều triển lãm lớn ở Úc, Nhật, Singapore được Ưu Đàm đem về tái hiện bên cầu Long Biên. Anh sử dụng sắt sơn màu khắc họa những người đi xe máy hàng ngày trên phố nhưng đã được tượng đài hóa thành các Thánh Gióng đeo khẩu trang, mang theo laptop, đánh nhau với chằn tinh - chính là khói thải từ những “ngựa sắt” mà họ đang cưỡi. “Áo giáp sắt được thay bằng áo mưa nhựa dẻo; roi sắt là laptop và kiến thức mới nhất cho công việc trong nền kinh tế toàn cầu”, tác giả thuyết minh. “Thánh Gióng thời xưa chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược hữu hình. Ngày nay, những đồng bào của tôi chiến đấu với kẻ thù do chính họ tạo ra, cả hữu hình và vô hình...”. Phúc Tân gang-một tác phẩm bắt mắt khác đến từ nghệ sĩ trẻ Xuân Lam cũng là phần nối dài của Tuần lễ thời trang phố cổ-phù điêu anh thực hiện cho phố bích họa Phùng Hưng. Lần này các nhân vật bước ra từ tranh Múa lân Hàng Trống trong hình dạng những con tò he khổng lồ, thay vì rước đèn lại rước biểu tượng của hãng thời trang. Trang phục của bọn trẻ cũng toàn hàng hiệu, chuẩn con em thị dân phố cổ. Ở Phùng Hưng, Lam gắn hẳn logo xịn vào nhân vật và bị cạy mất. Rút kinh nghiệm lần này anh dùng hàng nhái, bắt vít và phủ lên bằng composit.
Nghệ thuật thay đổi bộ mặt Phúc Tân ảnh 3 Khách nước ngoài quan tâm tới Phúc Tân Gang của Xuân Lam.
Các nghệ sĩ sử dụng toàn bộ sắt tái chế từ làng Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Tây) để làm tác phẩm. Con voi vàng của George Burchett (Úc) không ngoại lệ. Bố anh chính là nhà báo Wilfred Burchett, người đã chứng kiến hai cuộc kháng chiến ở Việt Nam. George lớn lên cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong khi cha mình tiếp tục hành quân xuyên rừng cùng quân Giải Phóng và kể lại cho cả thế giới. “Thế nhưng với anh chị em tôi, ông lại kể những câu chuyện về con người, về loài vật, và đặc biệt là những chú voi. Vì thế với tôi, hình ảnh con voi gắn liền với cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Việt Nam”, George nói về lý do khắc họa con voi vàng nhìn về hướng Đông-như một mong ước tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam. Kèm lời nhắc nhở: “Trong tương lai vàng ấy phải có chỗ cho cả những các loài vật đang sinh sống trong những khu rừng, dãy núi, dòng sông và biển cả Việt Nam”.

Đến thăm trưng bày ngoài trời Phúc Tân những ngày này, có thể thấy nghệ thuật đang hòa nhập vào đời sống khi người dân vẫn bán hàng, đánh cờ, tập thể thao bên cạnh tác phẩm. Du khách nước ngoài cũng bắt đầu biết và lui tới khu vực này. Chỉ cần giải quyết vấn đề môi trường, chắc chắn đây sẽ là chỗ tụ tập ưa thích của người dân và du khách không chỉ ban ngày. Vì từ 6h tối, hệ thống chiếu sáng tự động sẽ đem lại cho các tác phẩm một vẻ đẹp lung linh đầy thu hút.

MỚI - NÓNG