Nghệ sĩ Hồng Chương: Thêm lộc nhờ... râu tóc
Nghệ sĩ Hồng Chương trong phim "Đàn trời". |
Lớn lên trên mảnh đất cha ông để lại, mặc dù có biết bao sự đổi thay nhưng nghệ sĩ Hồng Chương vẫn kiên quyết giữ lại cái cổng "tò vò" rêu phong. Với ông, đó không chỉ là chiếc cổng ra vào mà còn là hồn cốt của gia đình, dòng tộc và là "mảnh hồn làng" còn sót lại giữa phố xá ồn ào...
Râu tóc bạc phơ, mắt cười hóm hỉnh và đặc biệt cách nói chuyện dí dỏm, thông tuệ, nghệ sĩ Hồng Chương trẻ trung hơn nhiều so với cái tuổi bát tuần của mình.
Lẽ thường, ở tuổi này, rất nhiều người đã nghỉ ngơi, an dưỡng song nghệ sĩ Hồng Chương vẫn tất bật lên đường cùng các đoàn làm phim. Hình ảnh người nghệ sĩ tóc bạc hiền hậu như tiên ông ấy đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua một loạt bộ phim như "Đất và người", "Đạo nhà", "Đàn trời", "Hai phía chân trời"... Và gần đây nhất là vai cụ Cố tổ trong phim "Trò đời" (đạo diễn: Phạm Nhuệ Giang) đang phát sóng trên VTV1...
Điểm ấn tượng nhất ở nghệ sĩ Hồng Chương là sự minh mẫn và am hiểu ở nhiều lĩnh vực. Hỏi ông bí quyết để có được trí nhớ tuyệt vời ấy, ông bảo có lẽ bởi tình yêu sách và thói quen đọc sách hàng ngày.
Ngay từ thời trẻ, cuộc sống còn rất khó khăn, Hồng Chương đã thường xuyên nhịn ăn, nhịn mặc để lấy tiền mua sách. Giờ đây, ngoài khoảng thời gian đóng phim, ông dành nhiều thời gian cho việc đọc sách và chăm sóc cây cối. Sách không chỉ giúp mở mang trí tuệ mà hỗ trợ cho ông rất nhiều trong việc diễn xuất.
Tiếng là nhận sổ hưu đã ngót nghét 20 năm nhưng chưa khi nào nghệ sĩ Hồng Chương thực sự ngơi nghỉ cả, thậm chí ông còn đắt "show" hơn trước. Khi bộ phim "Trò đời" mà ông đóng vai cụ Cố tổ đang phát sóng thì ông lại vừa hoàn thành vai cụ Tía trong phim "Lấy chồng trước Tết" của đạo diễn Phạm Thanh Phong. Chỉ có tình yêu, sự đam mê nghệ thuật mới giữ ông gắn bó bền chặt với nghệ thuật đến thế.
Ông thật lòng: "Không làm việc mới thấy mệt chứ mỗi khi gặp được nhân vật hay, tâm đắc thì dù có thức trắng 4 - 5 đêm để quay, tôi vẫn thấy hào hứng. Dù bà nhà tôi và các con vẫn khuyên tôi nhận phim ít thôi vì sợ tôi mệt".
Nghệ sĩ Hồng Chương kể: Nhà ông không có ai làm nghệ thuật. Khi mới 3 tuổi, cha mẹ ông đột ngột qua đời để lại 6 anh em trứng gà trứng vịt côi cút lớn lên bằng sự đùm bọc của cô dì chú bác. Mười một, mười hai tuổi Hồng Chương đã vừa học vừa làm thuê đủ nghề để kiếm sống.
Lớn lên chút nữa, Hồng Chương đi làm công nhân đường sắt. Ba mươi tuổi, đã lên tới chức quản đốc. Thế mà trong một lần đang thi công đường sắt ở Lào Cai, vô tình đọc báo thấy tuyển diễn viên đi học trung cấp kịch nói, Hồng Chương nộp đơn và rồi trúng tuyển.
Thi đỗ cùng đợt ấy với Hồng Chương còn có các nghệ sĩ như Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh… Dù nhiều người can ngăn, ông vẫn kiên quyết đi đến cùng đam mê của mình. Tốt nghiệp khóa học, nghệ sĩ Hồng Chương về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam cho tới khi nhận sổ hưu.
Nghệ sĩ Hồng Chương tếu táo: "Thời ở Nhà hát, tôi không được đẹp trai bằng các đồng nghiệp nên thường chỉ được giao vai phụ". Với Hồng Chương, dù vai chính hay vai phụ ông cũng không nề hà, sẵn sàng nhập vai hết mình. Dù chỉ đóng vai phụ trong các phim như "Chung một dòng sông" "Vợ chồng A Phủ", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"… nhưng được làm việc với các đạo diễn tài năng, các diễn viên đàn anh đã giúp ông học tập được rất nhiều.
Khi đất nước còn chiến tranh, Nhà hát kịch Việt Nam thành lập đội xung kích đi biểu diễn phục vụ bộ đội tại chiến trường Quảng Trị. Vì ưu tiên phụ nữ không phải ra nơi khói lửa, ngoài công việc chuyên môn, nghệ sĩ Hồng Chương đảm nhiệm luôn cả chân cấp dưỡng, hàng ngày đi chợ, nấu cơm cho cả đoàn.
Thương đồng nghiệp vất vả, mà tiền để chi cho sinh hoạt ăn uống lại ít, ông cất công ra tận chợ cá Vĩnh Linh - là nơi thường xuyên bị bom Mỹ đánh phá - để mua cá nục về cải thiện bữa ăn cho cả đoàn.
Hơn 50 năm trong nghề, mỗi vở kịch, bộ phim đều là một kỷ niệm đẹp với nghệ sĩ Hồng Chương. Nhiều khán giả ấn tượng với vai diễn của nghệ sĩ Hồng Chương trong phim "Đàn trời" - bộ phim giành giải Vàng cho thể loại phim chính luận tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2012.
Đó là vai Xẩm Ky, một ông lão tóc bạc phơ sống bên bờ sông chuyên thổi sáo, bán sáo, không đi đâu mà chuyện gì cũng biết, nói những câu như nhà tiên tri. Một nhân vật với những hình ảnh hư hư thực thực cùng với tiếng sáo đã làm mềm hóa bộ phim chính luận.
Để vào vai này, nghệ sĩ Hồng Chương đã cùng đoàn làm phim lăn lóc hàng tháng trời ở Hòa Bình, Phú Thọ, thấm cái khắc nghiệt của thời tiết núi rừng Tây Bắc. Hay trong phim "Đạo nhà", nghệ sĩ Hồng Chương vào vai một người bác mù lòa cưu mang 3 đứa cháu sớm mồ côi bố mẹ.
Một lần cháu mắc lỗi, người bác lấy roi ra phạt. Thay vì nằm xuống chịu đòn, lợi dụng bác mù lòa, đứa cháu thuê một người nông dân nghèo khó chịu roi thay mình. Vì đau quá, người nông dân nghèo bật khóc thành tiếng.
Phát hiện trò lừa bịp đó, người bác đã khóc vì giận cháu và thương người nông dân đói khổ. Quay tới cảnh đó, nghệ sĩ Hồng Chương khóc thật sự, nước mắt cứ tự nhiên chảy ra. Quay xong, đạo diễn ôm chầm lấy nghệ sĩ Hồng Chương mà nói: "Cụ ơi, cả đời quay phim của cháu, chưa bao giờ thấy giọt nước mắt thật tâm đến thế".
Xem các nhân vật mà nghệ sĩ Hồng Chương thủ vai luôn thấy một sự giản dị, gần gũi "diễn mà không diễn" bởi ông bảo, đó đều là những hỉ nộ ái ố ông trải qua trong cuộc đời. Kinh nghiệm riêng cộng với sự kỹ càng của ông khiến các đạo diễn rất hài lòng.
Trước mỗi bộ phim, nghệ sĩ Hồng Chương luôn yêu cầu đạo diễn đưa toàn bộ kịch bản cho mình đọc. Và mặc dù là người lớn tuổi nhất trong đoàn làm phim nhưng ông luôn giữ tác phong chuyên nghiệp và đến trường quay đúng giờ.
Dù sân khấu, điện ảnh là đam mê, cũng là nghề nuôi sống gia đình nhưng ông bảo, chưa bao giờ ông đóng phim vì tiền. Chưa bao giờ ông hỏi đạo diễn vai này cát sê bao nhiêu. Cứ làm hết mình, đạo diễn gửi bao nhiêu thì gửi. Nhiều đồng nghiệp nói ông dại nhưng ông quan niệm tiền cũng quan trọng nhưng cứ được làm nghề là hạnh phúc rồi.
Cách đây mấy năm, đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền mời ông đóng phim "Bản tình ca người Mông", phim đầu tay và cũng là bài thi tốt nghiệp của cô. Nghệ sĩ Hồng Chương sẵn sàng lặn lội cùng đoàn làm phim lên tận Lào Cai quay trong nhiệt độ lạnh thấu xương.
Vất vả là thế nhưng thương cô sinh viên phải lấy tiền nhà đi làm phim, quý sự năng nổ nhiệt tình của đạo diễn trẻ ông đã không nhận tiền bồi dưỡng.
Gần đây, có đạo diễn trẻ mời ông vào tận Tây Nguyên đóng phim. Nể tình, ông lại lóc cóc bắt xe khách vào tận đó. Răng rụng gần hết, đồ ăn với ông giờ đây chỉ là tô cháo, bát bún và cút rượu là vật bất ly thân trên mỗi cuộc hành trình đi đóng phim.
Nhắc tới nghệ sĩ Hồng Chương là khán giả nhớ tới bộ râu tóc bạc phơ làm nên đặc trưng khó lẫn của ông. Không thể phủ nhận, bộ râu tóc bạc trắng cùng cái dáng gầy guộc hư hao của ông thực sự là "của hiếm" của điện ảnh hiện nay.
Ông tâm sự, bộ râu tóc ông để hơn chục năm nay. Nhiều khi "bà nhà" cứ khuyên ông cắt đi cho… trẻ. Nhưng dường như với bộ râu tóc bạc trắng, ông có "lộc" phim ảnh hơn. Thậm chí đắt sô cả trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Ông thường xuyên được các nhiếp ảnh gia săn đón, mời sang Bát Tràng, Đường Lâm hay ra Bờ Hồ làm "mẫu". Gần đây, bức ảnh do nhiếp ảnh gia Huỳnh Như Lưu chụp ông với tên gọi "Nỗi đau còn sót" đã được giải tại Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 41.
Có đạo diễn thỉnh thoảng lại gọi điện nhắc nhở: "Ông đừng bao giờ cắt râu, tóc nhé. Cháu còn nhiều vai nữa gọi ông đấy". Bộ râu tóc đã trở thành "thương hiệu" của ông cả ở trên màn ảnh lẫn ngoài đời để rồi có một câu nói mà bạn bè yêu mến dành cho ông là "Phi râu tóc bất thành… Hồng Chương".
Bạn bè, đồng nghiệp trân quý Hồng Chương ở cái tính hiền lành, cần cù, luôn biết cảm thông với người khác và sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về mình. Cả một đời miệt mài cống hiến cho nghệ thuật nhưng đến nay nghệ sĩ Hồng Chương vẫn chưa nhận được bất kỳ danh hiệu nào.
Khi nghệ sĩ Văn Hiệp mất, nhiều bài báo cũng đã nhắc tới sự thiệt thòi của những nghệ sĩ như Hồng Chương.
Ông thật lòng: "Cả đời làm nghệ thuật tôi chưa bao giờ nghĩ tới danh hiệu. Tôi hạnh phúc khi là một người nghệ sĩ của nhân dân. Tôi đi đến đâu cũng có người nhận ra.
Có lần tôi đưa cháu đi thăm Quốc Tử Giám mà phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ đứng chụp ảnh với các bạn trẻ vì ai cũng muốn chụp với tôi một bức ảnh lưu niệm.
Nhiều khi tôi đi ăn sáng, người ta cũng không lấy tiền, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng mời về nhà chơi. Với tôi, thế là hạnh phúc lắm rồi. Tự người ta quý mình mới hay chứ được phong danh hiệu mà không được khán giả quý còn buồn hơn".
Chia tay người nghệ sĩ có mái tóc bạc phơ, tôi cứ nhớ mãi quan niệm sống của ông: "Đừng nghĩ nhiều tới sướng khổ, giàu nghèo. Mình có một trái tim và khối óc thôi, hãy cứ yêu thương cuộc đời này sẽ tất thấy mình hạnh phúc". Có lẽ, suy nghĩ an nhiên đó là bí quyết để ông giữ được cho mình một tâm hồn trẻ trung và tinh thần làm việc không mệt mỏi.
Theo Thảo Duyên
Công An Nhân Dân