Nghề MC: Nếu không bản lĩnh, bạn sẽ hoảng sợ

Nghề MC: Nếu không bản lĩnh, bạn sẽ hoảng sợ
TP- Đều là giảng viên đại học KHXH&NV HN, nhưng Kim Ngân quyết định dừng chân trên con đường khoa học để “toàn tâm toàn ý” với công việc MC, còn Lê Anh vẫn miệt mài cùng cả hai niềm đam mê: MC và giảng viên du lịch.

Những tâm sự về nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi gợi một góc nhìn khác về công việc này.

Một MC có nói với tôi rằng: “MC Việt Nam đa số dẫn như diễn…” Anh chị nghĩ thế nào về quan niệm này?

Kim Ngân: MC là gương mặt đại diện của êkíp thực hiện chương trình. Họ không chỉ sống bằng nhân cách của mình khi đứng trên sân khấu, mà phải sống với nhân cách của một nhóm người, nên không thể thăng hoa 100% được.

Đã là MC là phải diễn, chỉ có điều, “diễn” thế nào để cá tính thật của bạn nhuần nhụy với khán giả, đồng cảm thực sự với chương trình.  

Lê Anh: Nói MC Việt Nam diễn theo kịch bản theo tôi cần nhắc đến sự tác động của yếu tố điều kiện và văn hóa.

Khả năng của MC Việt Nam rất cao, nhưng cách chúng ta kỳ vọng vào MC, cách chúng ta tiếp cận với công chúng sẽ tạo ra những “sản phẩm” MC khó bộc lộ trần trụi cái tôi.

Nghề MC: Nếu không bản lĩnh, bạn sẽ hoảng sợ ảnh 1

Ở nơi mà chủ nghĩa cá nhân được tôn trọng cao như phương Tây, các MC có thể bộc lộ thái quá hình ảnh đặc trưng bản thân như chùi mũi, cười quá trớn.

Còn ở Việt Nam, bộc lộ theo ý của mình là một cuộc chơi mạo hiểm. Bạn phải thể hiện cá tính trong việc tôn vinh tập thể.

Làm theo con người thực, nếu bị phản hồi nghĩa là bạn bị loại khỏi công việc của mình. Bạn sẽ chọn gì, phải chăng là một lối dẫn an toàn?

Có nghĩa là, MC Việt Nam vẫn sẽ “bị” cứng nhắc theo lối dẫn ấy…

Lê Anh: Khi thực mục sở thị tại đài Truyền hình Hà Nội, tôi đã được học một loạt quy tắc: dáng ngồi thẳng đứng, ánh mắt thẳng, không chống tay... Nhưng bây giờ thì khác, các MC trẻ đã được thoải mái dần. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã có sự điều chỉnh, thay đổi từng bước, bớt cứng nhắc hơn…

Kim Ngân: Tôi nghĩ, truyền hình cũng giống như tất cả những nghệ thuật khác, đỉnh cao là sự tiến gần đến cuộc sống sinh động, không cách điệu hay tạo khoảng cách với đời thường.

Nghề MC: Nếu không bản lĩnh, bạn sẽ hoảng sợ ảnh 2

Phong cách của các MC cũng vậy, tiến gần đến sự chân thực và cá tính.

Để đảm bảo điều đó, MC phải được đắm mình trong không khí chuẩn bị, từ các khâu đạo diễn, biên tập, mời khách mời…vv… chứ không chỉ cầm bản thảo cuối cùng và diễn theo lời đạo diễn.

Truyền hình nước ta đang theo xu hướng đó, nên chắc chắn “dẫn như diễn” sẽ không còn…

Thế nhưng, hiện nay, lại có một loạt trường lớp đào tạo MC ra đời. Điều đó có phải là dấu hiệu của một lớp MC mới rập khuôn theo những nguyên tắc “rô bốt” riêng?

Kim Ngân: MC là một nghề đặc biệt, vì làm MC không chỉ học là được mà phải có năng khiếu. Vì thế, việc những lớp đào tạo MC mở ra chỉ bổ ích một phần, ở việc khắc phục cho các em những nhược điểm cần tránh mà thôi.

Lê Anh: Việc đào tạo cần hiểu theo 2 ý rạch ròi. Thứ nhất, đó là các lớp tuyển những bạn có năng khiếu và mơ ước làm MC, dạy họ sửa lỗi để đạt được thành công.

Thứ hai, những trường này chưa đủ khả năng để đào tạo một lớp MC “đúc khuôn” đâu. Họ chỉ làm một việc rất tốt là giúp các bạn trẻ tự tin hơn. Nên tôi không nghĩ, các lớp đào tạo MC sẽ cho ra đời một lứa dẫn chương trình “rôbốt”.

Nghề MC là công việc nhiều bạn trẻ ước mơ. Anh chị cũng là những người bắt đầu công việc MC khi còn rất teen. Sau bao năm trải nghiệm với công việc này, anh chị thấy nó có phải là một nghề “hào nhoáng”  không?

Kim Ngân: Làm MC, bạn được nổi tiếng. Nhưng cũng như bất cứ nghề nào, nó có góc khuất riêng. Nếu không đủ bản lĩnh, sẽ vô cùng hoảng sợ khi đứng dẫn mà đạo diễn hét, quay phim chỉ đạo, khán giả nhìn chăm chú, rồi bị bình phẩm. Đến tôi là một người làm nghề nhiều, có khi còn thấy áp lực vô cùng.

Lê Anh: Nghề MC là một nghề nghiệt ngã, đào thải nhiều hơn thành công. Cần phải có thần kinh thép, phải tỉnh táo và nếu thiếu kiên nhẫn thì sẽ không làm được.

Rồi trước một chương trình, MC phải đầu tư nhiều mà thu lại thì không được bao nhiêu. Bản thân tôi, chuẩn bị cho một lần dẫn có khi phải mất cả tháng trời đọc sách, tìm hiểu về lĩnh vực đó, dẫn một show thì đọc 5-7 cuốn sách trong 2 ngày….

Thế còn vấn đề kinh phí thì sao?

Lê Anh: Có rất nhiều nguồn, nhiều hình thức chi trả cho MC. Tuy nhiên, theo đuổi ước mơ làm MC, tự hào được nói trước công chúng cũng có nghĩa là chấp nhận cơ chế kinh phí chung của đài. Nếu nói làm MC để giàu thì khó lắm, chỉ có một vài gương mặt ở tầm “hot”…(cười)

Kim Ngân: MC làm fulltime ở đài vẫn hưởng mức lương công chức bình thường. Ngoài ra có thêm tiền chương trình tính theo chi phí sản xuất. Một show lên hình thì nhận theo định mức 200.000đ.

Khoản thu nhập đó với những MC nữ, nó không thể đủ để trang trải những đầu tư cho quần áo, đầu tóc khi lên hình…. Nhưng bù lại, MC có cơ hội tiếp cận nhiều chương trình ngoài cộng đồng khác.

Cảm ơn anh chị!

MC Lê Anh: "Tôi là người đã từng thử nghiệm tất cả các dạng MC: MC hoạt động sinh viên, MC bar ca nhạc, MC truyền hình…vv… Tôi tự trải nghiệm được rằng, nếu bạn thực sự mơ ước làm MC, đâu nhất thiết phải lên truyền hình.

Làm MC sự kiện, MC hội chợ… cũng là cách để các teen thể hiện khả năng của chính mình, nếu nó vừa sức. Nếu một teen nói với tôi rằng: “Em muốn được làm MC, nhưng phải là MC truyền hình, thì tôi thực sự nghi ngờ niềm đam mê của các bạn.”  

MC Kim Ngân: "MC là một nhân cách khá tổng hợp. Ngoài niềm đam mê và kỹ năng, các teen cần có năng khiếu, sự nhạy bén và sự dũng cảm, kiên trì.

Có những điều mà khi bước chân vào nghề rồi, bạn sẽ hiểu, nó cũng chỉ như những nghề bình thường khác, không nhiều hào quang, mà phải đổ nhiều tâm huyết và mồ hôi mới đến được đỉnh thành công.

Nhiều khi, sự đào thải của nghề MC còn khắc nghiệt đến không ngờ…

         Linh Nga
(thực hiện)

MỚI - NÓNG