Đi tìm dấu vết tâm thần
Bác sĩ Dương Văn Lương - Phó Viện trưởng Viện Giám định Tâm thần Trung ương đùa với chúng tôi rằng, các nhà báo vào đây chỉ nhăm nhăm hỏi rằng có chạy án hay không. Vì có nhiều tội phạm "vin" vào quy định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết giảm nhẹ, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong điều 13 và 46 có ghi. Chúng dùng khổ nhục kế, giãy giụa, la hét, thậm chí bốc phân ăn điệu nghệ như một kẻ bị tâm thần thật để mong thoát tội…
Chúng đóng kịch rất hoàn hảo, nhưng không dễ dàng "lọt lưới" con mắt nhà nghề của các bác sĩ giám định. "Chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của quốc tế, triệu chứng nào thuộc bệnh nào, triệu chứng thật hay giả. Để xác định, chúng tôi quan sát cử chỉ, hành động của bệnh nhân hằng ngày, theo dõi bằng camera, bằng lời nói, hoạt động của đối tượng với người khác… Khi bệnh nhân kêu đau đầu, chóng mặt, mình xác định xem có dùng thuốc ma túy tổng hợp gây ảo giác hay không?", bác sĩ Lương giải thích. "Nếu tội phạm giả bệnh tâm thần, cho uống thuốc sẽ không chịu đựng được, lúc đó thì lộ rõ ngay", bác sĩ Lương nói thêm.
Theo bác sĩ Lương thì vấn đề cốt lõi là bệnh thật hay bệnh giả. Phạm nhân bị tâm thần nhưng trong thời điểm phạm tội có mắc bệnh hay không, sau đó có mắc hay không? Rất nhiều vấn đề phức tạp khi xác định được một tội phạm tâm thần.
Thông thường một hồ sơ giám định phải mất 4-6 tuần, thậm chí là nửa năm trời với những ca khó. Các bác sĩ phải lần theo nhiều dấu vết, thậm chí phải nghiên cứu cả hồ sơ từ khi mang thai để xác định tình trạng bệnh. Để đưa ra kết luận cuối cùng cần tập hợp hàng loạt chứng cứ như hồ sơ từ gia đình, từ hàng xóm, chính quyền địa phương, hồ sơ bệnh viện, lấy ghi chép từ bản hỏi cung, nhận xét của can phạm, quản giáo, y tế trạm nếu đối tượng bị giam giữ.
Tuy nhiên, công việc lặng thầm của các bác sĩ ở Viện Giám định Tâm thần Trung ương không đơn giản. Bởi những rối loạn tâm thần rất đa dạng, ranh giới giữa bệnh và không có bệnh rất mong manh. Và giữa ranh giới đó là quyết định sống còn cho cuộc đời phạm nhân, vào tù hay vào bệnh viện tâm thần. Để lọt lưới một tội phạm nguy hiểm là trách nhiệm của bác sĩ giám định, nên áp lực đó luôn "cân não" họ.
Hơn 30 năm làm nghề, bác sĩ Dương Văn Lương đã chứng kiến không ít những câu chuyện, đối diện với nhiều ca khó. Ông cũng chính là người đã lột trần mánh khóe của những kẻ giả điên. Nhưng cũng chính ông nhiều lần bị tội phạm tâm thần tấn công bất ngờ.
Ông kể: "Tôi hơn 30 năm trong nghề rồi, chỉ cần nhìn cũng thấy kẻ nào điên thật, điên giả. Chúng nhiều mánh lưới, nhưng cũng khó qua mắt nghiệp vụ của chúng tôi". Ông kể về một trường hợp ở Lào Cai, tên Nguyễn Văn Trường, phạm tội giết người. Gia đình nằng nặc đòi đi giám định tâm thần, vì cho rằng, hắn có những triệu chứng tâm thần phân liệt. Khi vào viện, hắn cũng ngơ ngác, thất thần, thậm chí gào khóc ầm ĩ. Ông và đồng nghiệp phải mất cả tháng trời đi tìm dấu vết tâm thần của phạm nhân, để xác định hắn không hề bị tâm thần lúc gây án. "Vải thưa không che được mắt thánh", đó là một cuộc truy tìm vất vả, đòi hỏi sự chính xác và công tâm để tránh lọt lưới tội phạm.
Và câu chuyện về gã tâm thần mang tên Vô Danh
Hơn 80 tội phạm mắc chứng tâm thần đang được điều trị trong Bệnh viện Giám định Tâm thần Trung ương. Phải qua 3-4 lớp khóa chúng tôi mới vào gặp những bệnh nhân đặc biệt này. Nhiều kẻ to lớn bặm trợn, xăm trổ đầy mình, kẻ hiền lành ngơ ngác. Đủ các loại người, đủ các loại tội phạm. Bác sĩ Thành, Phó khoa Điều trị bắt buộc nói, những bệnh nhân tâm thần này như những "quả bom nổ chậm", có thể thay đổi trạng thái bất cứ lúc nào.
"Bệnh nhân ở đây rất nhiều loại, có kẻ vào đây từng chém 5 người, 3 người chết, 2 người bị thương. Hầu hết đều phạm tội giết người, kẻ giết bố, mẹ, hàng xóm... Thậm chí, nhiều kẻ từng vào tù nhiều lần, học được nhiều mánh lưới trong tù, trong tích tắc có thể mở được 4, 5 lượt khóa. Có bệnh nhân, chỉ cần một cái túi bóng và một bật lửa có thể đun nước uống bình thường, nên việc quản lý rất khó khăn".
Thậm chí, các bác sĩ giám định luôn phải đối mặt với nguy hiểm: "Rất nhiều tội phạm tâm thần mất khả năng điều khiển hành vi nên có thể tấn công, gây nguy hiểm cho mình. Nhiều bệnh nhân không nhận là mình có bệnh, ra sức chống đối. Đa phần phạm nhân mang tội giết người, rất manh động, nên bác sĩ phải cẩn trọng, khéo léo để tự bảo vệ cho mình".
Chính bác sĩ Lương đã nhiều lần bị tội phạm đánh vào đầu vì quyết định cho ở lại trong lúc phạm nhân muốn ra viện. Còn chuyện tấn công điều dưỡng, bác sĩ điều trị cũng thường xuyên xảy ra. "Những bệnh nhân động kinh thường thù vặt rất lâu. Họ không muốn uống thuốc, không thích đi tắm mà bác sĩ điều dưỡng cứ bắt buộc đi. Họ sẽ thù hằn và lựa thời cơ trả thù bác sĩ bất cứ lúc nào. Có một số bác sĩ bị gãy tay, chảy máu, bác sĩ Thành kể.
Trong hồ sơ bệnh án ghi rõ: "Bệnh nhân lang thang ngoài đường tại khu vực xã Tương Giang - Từ Sơn - Bắc Ninh vào hồi 8h sáng 22 tháng 4 năm 2005. Bệnh nhân có hành vi dùng dao đâm 2 nhát vào ngực anh Dũng, làm anh Dũng chết ngay tại chỗ. Ngày 27/4, bệnh nhân được giám định tâm thần phân liệt giai đoạn sa sút và bắt buộc chữa bệnh".
"Vô Danh khỏe mạnh, béo tốt, suốt ngày đi ngửa tay xin ăn. Thứ ngôn ngữ mà 10 năm nay anh ta nói là mấy chữ ậm ừ trong cổ họng. Không thể xác định được gã là người dân tộc nào. Nhưng ra hiệu lệnh về những sinh hoạt hằng ngày thì anh ta hiểu. Nhưng cũng 10 năm nay, chẳng bao giờ thấy anh ta mảy may biểu lộ cảm xúc buồn hay vui gì", chị Hiền, người trực tiếp chăm sóc Vô Danh kể.
Đã quá tam ba bận, Viện Giám định Tâm thần Trung ương làm công văn gửi sang Viện Kiểm soát đề nghị đón bệnh nhân về. Trong giấy ghi rõ: "Đã nhiều lần chúng tôi gửi giấy báo nhưng vẫn không thấy quý cơ quan đến đón bệnh nhân. Vậy Viện Tâm thần yêu cầu Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Bắc Ninh và cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đến đón bệnh nhân để Viện chúng tôi lấy chỗ cho bệnh nhân khác vì số giường có hạn". Công văn gửi đi lần cuối vào tháng 5 năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
"Chả lẽ lại thả bệnh nhân ra ngoài đường, rồi lang thang, đói ăn lại gây án... Chúng tôi đành cho Vô Danh ở lại trong Viện vì không còn lựa chọn nào khác" - bác sĩ Thành nói. Bởi thực tế, nhiều bệnh nhân vào điều trị ổn rồi, trả về cộng đồng, nhưng cộng đồng không chấp nhận, gia đình ruồng bỏ, lại gây tội ác. Tỷ lệ tội phạm tâm thần điều trị lành bệnh tái phạm tội cũng khá cao. "Giải pháp tốt nhất đối với những tội phạm tâm thần là vào các trung tâm bảo trợ xã hội của địa phương, để ngăn chặn việc tái phạm", bác sĩ Thành nói.
Tôi rời khỏi khoa điều trị bắt buộc của Viện Giám định Tâm thần Trung ương trong đôi mắt ngơ ngác đến tội nghiệp của Vô Danh. Có lẽ trong đầu anh ta không bao giờ gợn lên một chút suy nghĩ về thân nhân của mình. Còn tôi, và chắc cả những bác sĩ ở đây đều băn khoăn, không hiểu con người sẽ có ý nghĩa gì khi không biết mình là ai, mình đến từ đâu? Gia đình, sự yêu thương của cộng đồng, có lẽ vẫn là liều thuốc lành nhất cho những bệnh nhân đặc biệt này.
Bác sĩ Dương Văn Lương- Phó Giám đốc Viện Giám định Tâm thần Trung ương cho rằng: "Hiện tượng người tâm thần gây án có xu hướng tăng lên. Có thể do stress trong thời đại văn minh, con người dễ mất kiểm soát, rồi do những dồn ép từ xã hội, gia đình. Có bệnh mà quản lý tốt tại cộng đồng, gia đình tạo tâm lý thoải mái, chứ càng thóa mạ, coi khinh họ, họ càng bị ức chế, dễ dẫn đến phạm tội. Bởi hơn 90% người tâm thần phạm tội giết người, mà chủ yếu là người thân, bố mẹ, hàng xóm. Đó là vấn đề mà chính các địa phương cần chú trọng để quản lý tốt bệnh nhân tâm thần, tránh những nguy cơ cho xã hội.