Tội phạm manh động, liều lĩnh hơn

Hai nghi can vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước
Hai nghi can vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước
TP - Chiều 14/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình, kết quả phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2015.

Bạo lực, côn đồ, liều lĩnh hơn

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138, trong 6 tháng đầu năm 2015, số vụ phạm pháp hình sự trong lĩnh vực xâm phạm trật tự, an toàn xã hội tuy giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng tính chất tội phạm còn nghiêm trọng, hành vi phạm tội manh động, bạo lực, côn đồ, liều lĩnh hơn. Đặc biệt đã xảy ra một số vụ giết nhiều người, giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng như, vụ Bình Phước giết 6 nạn nhân và vụ Nghệ An giết 4 nạn nhân.

Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), đang có tình trạng các nhóm thanh niên côn đồ, liên kết với nhau, khi có mâu thuẫn, va chạm sẵn sàng tụ tập “dàn trận” đâm chém, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn có chiều hướng gia tăng. Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn xảy ra phức tạp, nhất là trộm cắp tài sản ở khu vực nông thôn (trộm chó, trộm mèo) kéo theo hành vi cố ý gây thương tích, giết người, hủy hoại tài sản diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội…

Về tình hình tội phạm ma tuý, theo tướng Vĩnh, vẫn hoạt động mạnh và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Các vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Lào và Trung Quốc. Các đối tượng trang bị nhiều vũ khí, sẵn sàng tấn công lại lực lượng khi bị bắt.

Về tình hình tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn nhiều tiềm ẩn phức tạp làm nhân dân lo lắng. Một số vụ việc do nhận thức lạc hậu dẫn đến mù quáng. Trong khi đó, tham nhũng, suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sỹ còn có những vấn đề nhất định. Một số địa bàn chưa kiên quyết trấn áp để tội phạm lộng hành.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Về tình hình tội phạm trong 6 tháng cuối năm, tướng Vĩnh cho rằng, tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó cần tiếp tục duy trì hoạt động của mô hình kết hợp các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, CSGT tuần tra, kiểm soát vũ trang, chủ động phòng ngừa tội phạm, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương…

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp thì tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao hiệu lực quản lý, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương ông Lê Minh Trí thì đề nghị cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tán đồng với ý kiến trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong công tác phòng, chống tội phạm thì vai trò cấp ủy và người đứng đầu là rất quan trọng. Nếu đấu tranh, phòng chống tội phạm không tốt, người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu công an nơi đó phải chịu trách nhiệm. 

“Trấn áp tội phạm là để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân nên phải thực hiện thường xuyên, liên tục”, ông Phúc nói và đề nghị Bộ Công an đẩy nhanh việc xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm để chủ động hơn trong công tác phòng chống. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính ưu tiên đầu tư ngân sách để phòng chống tội phạm, nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

MỚI - NÓNG