Đóng đáy là hình thức đánh bắt tôm cá bằng lưới ở những nơi có dòng nước chảy mạnh đổ ra các cửa sông, cửa biển. Tuỳ thuộc vào địa hình, địa thế, người dân chọn hình thức sử dụng đáy hàng bè, đáy phao hay đáy hàng cột để đánh bắt thuỷ sản. |
Ở những đoạn sông sâu khó có thể cắm được cột, người dân thường sử dụng hình thức đáy hàng bè. Bè là những chiếc ghe được nối lại với nhau bằng các cây dài hàng chục mét. Miệng đáy được cố định xuống đáy sông để tránh trôi bè. Giữa các miệng đáy là các lưới được căng ngang để lợi dụng con nước lớn ròng chảy xiết sẽ hứng cá tôm trôi vào. |
13 tuổi, ông Lương Văn Dừa (ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) đã theo người cô xuống Cà Mau để phụ kéo đáy. Nhận thấy công việc thuận lợi, kiếm ra tiền nên ông gắn với nghề đáy mấy mươi năm nay. Và vui hơn, khi vợ ông cùng chồng sáng tối có nhau làm nghề đáy kiếm tiền nuôi con ăn học. |
Việc thả đáy và thu đáy là việc làm nặng nhọc đòi hỏi người làm nghề phải có sức khoẻ và sự dẻo dai. Những lúc con nước lớn ròng chuyển về đêm thì người làm nghề đóng đáy cũng cực hơn và phải sáng đêm theo con nước. |
Theo kinh nghiệm của những người đóng đáy, ở những tuyến sông nước càng chảy mạnh thì càng thu được nhiều cá tôm. Những hàng đáy được kết từ những chiếc ghe ở những nơi có mực nước sâu hơn 30m này sẽ chảy xiết và cho thu hoạch nhiều cá tôm hơn sông khác. |
Nghề đóng đáy không chỉ cực nhọc ở việc phải quay nài (dụng cụ quay thả lưới), thả chui (thả cho lưới chìm xuống đáy), thậm chí phải dầm mưa khi đổ đục (thu đáy), giặt đáy, phơi đáy mà còn đòi hỏi người coi đáy phải có kinh nghiệm lúc nào thả và thu đáy. |
Dù nghề này đối mặt với biết bao hiểm nguy rình rập, nhưng người dân nơi đây vẫn bám nghề để mưu sinh và thế là nghề đáy mặc nhiên trở thành nghề nuôi sống biết bao thế hệ cư dân vùng sông nước Cà Mau. |