Tháng Giêng là đầu vụ muối, những diêm dân trên cánh đồng muối An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa cả nhà ra ruộng san nền, làm bờ, vét mương, dẫn nước biển vào phơi nắng. Những hạt muối mặn trắng tinh hình thành.
Mỗi người mỗi việc, người cào muối, xúc muối đổ vào xe đẩy. Người kéo xe đưa muối lên bờ. Người dân nơi đây than thở năm nay ông trời không thương, cho mấy trận mưa rào, nước biển lại trả về cho biển. Lượng muối thu hoạch đầu vụ giảm sút, giá cả càng giảm.
Nghề làm muối lắm gian nan, để có những hạt muối họ phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Oằn mình giữa cái nắng gay gắt, trong làn nước mặn. Họ trông trời trông đất. Trời nắng không sao, khi mây đen kéo đến họ đứng ngồi không yên, kéo cả nhà ra ruộng muối, hì hục thu gom, đậy bạt những vựa muối "còn non”, không nhanh tay muối hoá thành nước biển.
Ông Lê Đức Tùng, diêm dân tại An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, vào thời gian này năm ngoái đã thu hoạch được 2 vụ muối nhưng năm nay chỉ thu hoạch được 1 vụ nên ít muối. Những năm trước giá muối dao động khoảng hơn 1 triệu/tấn, bây giờ chỉ còn 700.000 đồng/tấn. “Người ta hay nói nghề muối ‘Được mùa mất giá, mất giá được mùa’. Năm nay gặp cả hai vừa mất mùa vừa bán không được giá”, ông Tùng nói như mếu.
Nói về lý do gắn bó với nghề suốt 18 năm, ông Phạm Văn Hùng (58 tuổi) cho biết, chọn theo nghề của cha ông để lại với mong muốn gắn bó và phát triển nghề truyền thống từ bao đời nay. Theo ông, nghề này chỉ trông thời tiết, nắng gắt đối với nhiều người thì cảm thấy khó chịu nhưng với những người diêm dân, họ vui mừng vì sản xuất được muối nhiều.
Hết vụ mùa, những diêm dân trở thành lao động tự do. Họ tìm công việc khác mưu sinh từ phụ hồ, công nhân, làm rẫy,…“Có một số diêm dân đã bán đất, bán ruộng chuyển sang nghề khác. Hiện tại, thế hệ trẻ trong gia đình làm muối còn rất ít. Phần nhiều họ lên thành phố lập nghiệp hay làm công nhân”, ông Hùng bộc bạch.