Rôm rả thị trường bùa ngải
Trên trang web lambuayeu…, “bùa yêu” và “ngải yêu” được mô tả là thứ bột màu xám được rao bán giá từ một đến vài triệu đồng. Theo hướng dẫn, người bỏ bùa sẽ hòa thứ bột này vào nước hoặc cà phê, đồ ăn để cho “người ấy” uống hoặc ăn vào sẽ mê mẩn, không rời xa mình.
Ngoài ra, theo thông tin từ trang Thailanhuongdanvien…“bùa yêu” còn có loại được chế biến thành… mỹ phẩm sáp đặc dùng để bôi lên môi trước khi gặp gỡ và nói chuyện tạo thu hút với người khác kể cả trong công việc lẫn tình yêu.
Giá của loại “sáp yêu” này được trang web rao bán 3 triệu đồng/hũ. Ngoài ra, trên mạng còn rao bán bùa da hổ với giá cao ngất ngưởng, 8 triệu đồng đối với loại làm từ da sườn hổ và 15 triệu đồng đối với loại làm từ da mặt hổ. Loại bùa này có tác dụng cầu tài, cầu may mắn trong công việc làm ăn, giải hạn…
Bùa yêu được rao bán công khai trên facebook.
Dù để số điện thoại công khai nhưng hầu như trang web nào cũng phải thêm một câu dặn dò “tuyệt đối không gọi, chỉ nhắn tin”. Khi được yêu cầu gặp trực tiếp để xin chỉ dẫn cách dùng bùa cho hiệu quả thì chủ nhân số điện thoại từ chối và trả lời “muốn mua thì ghi lại họ tên, số điện thoại, địa chỉ để yểm thông tin vào bùa, sau đó chuyển tiền vào số tài khoản… thì 3 ngày sau sẽ nhận được hàng, muốn hỏi thêm gì thì nhắn tin”.
Mấy năm gần đây, showbiz Việt cũng đã bao lần dậy sóng bởi các “sao” tố cáo đồng nghiệp dùng bùa ngải hại nhau. Thậm chí nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường đã đăng trên trang cá nhân của mình rằng anh bị người khác dùng bùa ngải hãm hại. Ca sĩ Phương Thanh cũng từng khiến dư luận xôn xao khi chỉ đích danh bị Đàm Vĩnh Hưng dùng bùa ngải hại đến mức “thân bại danh liệt”. Một loạt các sao khác như ca sĩ Tina Tình, người mẫu Lê Thúy cũng đăng đàn báo chí nhằm vạch mặt những đồng nghiệp đã dùng bùa ngải hại mình.
Trước những ma trận thông tin ấy, người hâm mộ chỉ biết nghe và á ố ngạc nhiên chứ cũng chẳng biết đâu mà lần bởi các “sao” này cũng lắm chiêu trò và giới nghệ sĩ thì vẫn nổi tiếng là hay mê tín, tự kỷ ám thị.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường khiến người hâm mộ hoảng hồn khi chia sẻ việc mình đã lấy được bùa ngải bị yểm trong người. Ảnh: Y Bình.
“Bùa ngải không còn thiêng nữa!”
Khẳng định bùa ngải tồn tại từ thời cổ đại, phổ biến trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, tuy nhiên TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện nghiên cứu Tôn giáo) tỏ ra nghi ngờ tác dụng của bùa ngải, đặc biệt là những loại bùa ngải được rao bán một cách công khai, tràn lan hiện nay.
Trong quá trình nghiên cứu sự biến đổi tôn giáo, TS Ngọc Mai có cơ hội đi khảo sát địa phương và nhận thấy từ người Việt đến người dân tộc đang quay trở lại làm bùa ngải rất nhiều, thậm chí không ít người lao vào làm như hình thức kinh doanh, kiếm sống. Người Việt thành phố cũng lần mò tìm đến các thầy pháp, thầy mo dân tộc để mời về phố cúng quải, làm bùa chú cầu may, triệt hạ đối thủ kinh doanh…
“Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các thầy mo, được tận mắt xem họ làm bùa, yểm chú thì tôi phát hiện ra, thầy bùa cao tay không phải là người có uy lực gì đó ghê gớm, siêu phàm mà là người phải khéo ăn nói, biết cách kích thích tò mò, biết tạo ra những câu chuyện ly kỳ, ma mị liên quan đến chuyện bùa ngải”- TS Ngọc Mai kể lại- “Một ông thầy khoe với tôi rằng có người nhờ ông làm bùa yêu mà giữ được chồng, có người đuổi được vong theo, có người khỏi bệnh ung thư … Nhưng khi tôi ngỏ ý muốn xin địa chỉ của họ để phục vụ công tác nghiên cứu thì ông cứ lần khất, quanh co, cuối cùng, chẳng có ai là thật, chỉ những câu chuyện là ngày càng vang xa, thu hút hàng chục lượt khách đến nhà thầy mỗi ngày”.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, sở dĩ, bùa chú ngày nay không còn linh nghiệm như trước kia là bởi qua các thế hệ, kỹ thuật làm bùa đã mai một đi nhiều. “Trước đây, bùa ngải chỉ do các mo làng, các thầy bùa dân tộc làm rất công phu nhưng nay lớp trẻ kế cận vì nhận thức thay đổi và cũng thoát ly nhiều nên không còn lưu giữ được phương pháp làm bùa đúng cách”- TS Ngọc Mai cho biết.
Với cái nghề đặc biệt này, các pháp sư giỏi thường hay giấu nghề, nên đệ tử chủ yếu ngồi xem và tự học mót. Thế nên, nhiều câu niệm chú hay những ký tự để vẽ trong lá bùa đã dần bị “tam sao thất bản” do… mỗi đệ tử lĩnh hội một kiểu.
Ngay cả khi luyện ngải, các thầy bùa, pháp sư truyền tai nhau phải nuôi ngải bằng máu gà và máu của mình, rồi tắm cho ngải, cho ngải ăn vào giờ nhất định, đọc thần chú cho ngải nghe... Tuy nhiên, khi được yêu cầu giải thích thì các thầy cũng không trả lời được, chỉ ậm ừ “làm thế nó mới linh”.
“Không phải pháp sư nào cũng biết làm bùa đúng cách và không phải ai cũng đủ tố chất để luyện ra những lá bùa có tác dụng. Họ phải có chế độ kiêng khem, quy tắc ứng xử, hành xử khá nghiêm ngặt.
Phần lớn những người làm bùa bây giờ, nếu họ sống đời phàm tục, chẳng biết tu luyện gì, đời sống chẳng đạo hạnh, chỉ chăm chăm làm bùa kiếm tiền, thì đích thị những lá bùa của họ làm chẳng có tác dụng gì. Chỉ gây hoang mang và thiệt hại về tiền bạc cho người khác”- Nghệ nhân dân gian Lường Thị Đại, tác giả công trình nghiên cứu “Các hình thức ma thuật, bùa chú của người Thái đen ở Điện Biên” chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đang có hiện tượng đánh tráo khái niệm xung quanh câu chuyện bùa ngải. “Ngày nay, người ta có thể hại nhau bằng độc dược, bằng hóa chất, năng lượng phóng xạ … nhưng vì chúng vô hình nên người ta càng tin là trúng bùa ngải. Ví dụ chuyện dính bùa yêu, nếu sau 3 ngày không trở về sẽ chết thì thực chất chỉ là một dạng hạ độc, chất độc được hấp thụ vào cơ thể và chỉ phản ứng sau 3 ngày, khiến người trúng độc phải quay về để uống thuốc giải nếu không sẽ chết.”- TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Ngọc Mai cũng cho rằng nhiều câu chuyện bùa ngải thực ra là lợi dụng yếu tố tâm lý, y khoa: “Nếu một người đang khỏe mạnh mà nghĩ mình bị bỏ bùa thì cơ thể sẽ tự tiết ra những chất gây mệt mỏi, chán nản… còn một người đang bị bệnh nếu tin rằng mình được uống nước thánh chữa được bách bệnh thì cơ thể cũng sẽ có những phản ứng tích cực, thậm chí khiến con người khỏe lại. Nhiều pháp sư, thầy bùa đã dựa vào nguyên tắc này trong y học để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.
Bùa da hổ được quảng cáo trên mạng.
Bùa ngải- “Con dao hai lưỡi”
Không ít người bỏ tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để thỉnh bùa, mua ngải về nuôi với tham vọng có thể dùng ma thuật để “cầu được ước thấy”. Tuy nhiên, lợi đâu chưa thấy, nhiều người đã phải lĩnh hậu quả do u mê trong thế giới tà thuật.
Rất nhiều gia đình mua bùa chú về dán khắp nhà hay ban thờ mà không hiểu rằng họ đang gây cảm giác nghi ngại cho khách đến nhà. Bởi khách sẽ nghi ngờ chủ nhà thuộc giới tà thuật hoặc có hoàn cảnh dị thường nên mới dùng bùa. Trong tâm lý giao tiếp, làm ăn, người ta lại càng muốn tránh những dạng người này vì sợ xui xẻo.
Một câu chuyện liên quan đến bùa ngải được lan truyền trên một trang mạng xã hội khá nổi tiếng của giới trẻ hiện nay kể lại rằng có một anh chàng mới ra trường, vì hoang mang chưa xin được việc nên bỏ tiền triệu để rước một “ông ngải” về nuôi, cứ nửa đêm, anh lại dậy trò chuyện, bồi dưỡng cho “ông” trứng gà sống, bỏng ngô, sữa nước… chờ ngày ông “hóa phép” ban cho mọi điều ước. Ba tháng sau, bố mẹ anh hoảng hốt đưa con đi khám thì mới biết con trai họ đã mắc bệnh hoang tưởng khá nặng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ phát điên.
Báo chí cũng từng xôn xao câu chuyện một nam ca sĩ hàng đầu showbiz Việt chuyên dùng bùa ngải để “dìm hàng” đồng nghiệp nhưng có một thời gian anh ta bỗng trở nên kỳ quặc: lên sân khấu bị quên bài, mất tiếng, có những hành động ngớ ngẩn trước công chúng, gây ra nhiều vụ ầm ĩ, scandal liên tục… Những người trong giới kháo nhau rằng nam ca sĩ này đã bị “ngải quật” do quá lạm dụng bùa ngải.
Thầy bùa N.H.T khá nổi tiếng trong giới bùa ngải ở đất Bắc từng tiết lộ mức giá của một bùa đen (dùng để hãm hại người khác) chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết các pháp sư chân chính đều từ chối làm bùa đen bởi ngay trong buổi lễ tuyên thệ khi nhập giới, họ đã phải thề chỉ dùng năng lực để làm điều thiện, nếu không muốn nhận quả báo tuyệt tự hoặc hóa điên.
Kỳ tiếp: Ăn chực nằm chờ học bùa chú
Làm điều ác sẽ gặp quả báo
Trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với các thầy bùa, TS. Ngọc Mai nhận thấy những người thực sự hiểu biết rõ về bùa chú thì thường sống ẩn dật, không thích phô trương, trong khi những thầy pháp non tay thì lại hay ham thể hiện: “Các thầy pháp mới vào nghề thường thích tập tành nuôi âm binh mà không hiểu bản chất nó là tốt hay xấu. Đôi khi công lực của họ không đủ mạnh để sai khiến, cầm giữ chúng nên thay vì giúp đỡ có khi chúng lại quay ra quấy phá. Giống như việc chúng ta thuê bảo vệ đến trông nhà nhưng đôi lúc bảo vệ nổi lòng tham, có thể trộm cắp tài sản hoặc làm những việc phương hại đến gia đình”.Không chỉ người sử dụng mà ngay cả các thầy bùa, pháp sư cũng phải trả giá nếu làm bùa ngải một cách bừa bãi. TS. Vũ Thế Khanh chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình: “Ông ngoại tôi đã từng là pháp sư cao tay, từng luyện được bùa ngải, nuôi âm binh nhưng sau đó đã bị nghiệp báo nặng, lần lượt mất đi 2 người con trai. Cuối cùng ông quyết định từ bỏ tất cả để quay lại làm từ thiện, chữa bệnh không lấy tiền, làm phúc cứu người và cứu lấy người con trai thứ 3 của mình”.