Ngày thơ trở lại, 'lợi hại hơn xưa'

TP - Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID- 19, Ngày thơ Việt Nam đã trở lại, ghi nhận nhiều điểm mới. Lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, thay vì ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám như những năm trước.

Cũng lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI khai mạc vào 19 giờ, đúng đêm rằm. Không còn được chiêm ngưỡng thơ bay lên giời nhưng người cầm bút và người yêu thơ lại có thể dạo trên “Đường Thơ”…

Không bán vé, không sân chơi câu lạc bộ…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm: Ngày thơ Việt Nam sau đây sẽ không đóng khung ở một địa điểm cụ thể nào. “Ngày thơ Việt Nam không chỉ được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long mà sẽ còn được tổ chức ở nhiều nơi khác nữa. Chúng tôi muốn chuyển dịch ra các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam. Một nơi có truyền thống tổ chức ngày thơ lâu năm cũng có thể được chọn là địa điểm tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Chúng tôi dự kiến sang năm sẽ làm Ngày thơ Việt Nam ở Phú Yên. Trên Núi Nhạn người ta đã làm ngày thơ cách đây 40 năm, trước khi Hội Nhà văn Việt Nam làm Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu. Núi Bài Thơ ở Hạ Long hay một tỉnh phía Bắc cũng có thể trở thành địa điểm tổ chức Ngày thơ Việt Nam, khi ấy các nhà thơ tiêu biểu đại diện cho dân tộc mình trên khắp cả nước sẽ hội tụ để cất lên tiếng thơ của dân tộc mình”.

Ngày thơ trở lại, 'lợi hại hơn xưa' ảnh 1

Một câu thơ trên “Đường thơ” Ảnh: BTCCC

Ông Nguyễn Quang Thiều cũng khẳng định: Năm nay, Ngày thơ Việt Nam không bán vé. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ mong muốn dù Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long hay bất cứ địa điểm nào trong cả nước, người yêu thơ sẽ được vào cửa tự do: “Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tìm mọi cách để người yêu thơ không phải mua vé, dù giá vé không đáng bao nhiêu với mỗi người. Chúng tôi nỗ lực để càng nhiều người tiếp cận với thơ ca càng tốt”. Một điểm khác biệt nữa ở Ngày thơ Việt Nam năm nay được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận: Không có sân chơi cho các câu lạc bộ thơ. Ông giải thích: “Rất nhiều câu lạc bộ tổ chức ngày thơ của riêng họ không phụ thuộc vào Ngày thơ Việt Nam. Như ở Làng Chùa quê tôi, người yêu thơ tổ chức ngày thơ vào đúng ngày hội làng. Mỗi câu lạc bộ sẽ có cách lan tỏa thơ theo cách riêng của họ, không nhất thiết tập trung hết về Hoàng thành Thăng Long”.

Ngày thơ trở lại, 'lợi hại hơn xưa' ảnh 2

Khung cảnh Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI ban ngày và ban đêm Ảnh: BTCCC

Ngày thơ trở lại, 'lợi hại hơn xưa' ảnh 3

Thơ thả lên trời có thể xem là “đặc sản” của Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm nay, ở Hoàng thành Thăng Long không có thơ thả lên trời nhưng có “Đường Thơ” với 100 câu thơ hay tinh tuyển từ thời Trung Đại đến Hiện Đại. Thế nào là thơ hay? Câu hỏi này được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giải đáp: “Tranh luận quanh thơ hay và nhan sắc phụ nữ vốn không có gì lạ vì quan điểm người chấm khác nhau. Nhưng những câu thơ góp mặt trong “Đường Thơ” phải đạt tiêu chí có tính tư tưởng và có thông điệp”. Nguyễn Quang Thiều bật mí, thơ ông không góp vào “Đường Thơ”, ông cũng không góp mặt trong “ Nhà ký ức”: “Bảo tàng Hội Nhà văn trưng bày kỷ vật của các nhà văn danh tiếng có mời tôi, vì Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ được Giải thưởng Nhà nước nhưng tôi đã từ chối. Còn rất nhiều gương mặt, rất nhiều những câu thơ hay cần đến với khán giả trong ngày hội lớn này”. Những năm trước thơ thả lên trời hay bị “bắt lỗi”, năm nay “Đường Thơ” chưa biết ra sao? Có thể điểm qua một số câu thơ được chọn: “Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi/Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu” (Nguyễn Công Trứ); “Đêm về khuya. Trăng ngả màu hoa lý/Tiếng gọi đò. Căng chỉ ngang sông” (Phùng Cung); “Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hoá đá phía bên kia” (Thu Bồn)… Không hành chính hóa hoạt động thơ ca

Cũng có những thi sĩ lớn tuổi luyến tiếc địa điểm từng tổ chức nhiều lần Ngày thơ Việt Nam: Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Thi sĩ Trần Nhương e ngại: “Làm ở Hoàng thành Thăng Long lại khai mạc vào 19 giờ tối nữa thì người cao tuổi sẽ ít đến, không thể đông như làm ở Văn Miếu”. Theo thi sĩ biệt danh “Ham Vui”, những người “mê thơ như điếu đổ” thường từ 50 tuổi trở lên, thiếu sự ủng hộ nhiệt tình của “cánh già” ngày hội sẽ kém rôm rả. Không gian Hoàng thành Thăng Long rộng lớn, khai mạc về đêm, không phải cản trở duy nhất với những người làm thơ, yêu thơ lớn tuổi. Trần Nhương nói tiếp: “Ngày thơ phải diễn ra ở Văn Miếu mới thích. Văn Miếu Hà Nội thờ Chu Văn An, vẫn có nét văn hoá trầm tích. Hoàng thành cũng hoài cổ nhưng lạ lẫm với thơ”. Nhà thơ Trần Ninh Hồ cũng cảm thấy tiếc những ngày hội đã qua: “Tôi thấy không thuận lắm. Hoàng thành thì rộng nhưng Văn Miếu có không khí lịch sử. Ngày xưa nói đến khoa cử là nói đến văn chương”.

Ngày thơ trở lại, 'lợi hại hơn xưa' ảnh 4

Cây thơ có đố thơ. Câu đố dán trên cánh bướm Ảnh: N.H.D

Tuy nhiên, những nhà thơ còn đang sung sức lại nhiệt tình ủng hộ sự thay đổi địa điểm tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Một nhà thơ ví von: “Diện tích Văn Miếu nhỏ, cứ phải chia thành 2-3 sân thơ, không khác nhà bé cứ xây lên nhiều tầng, tầng nào cũng hẹp. Còn tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long thì tất cả được bày ra trên một mặt bằng, như ở một căn hộ chung cư lớn”. Việc khai mạc Ngày thơ Việt Nam vào ban đêm, thay vì ban ngày như trước, cũng được nhà thơ này vỗ tay: “Khai mạc ban ngày như ở Văn Miếu là hành chính hóa hoạt động thơ ca. Khai mạc ban đêm mới thật sự là ngày hội. Hoạt động lễ nghi của ta xưa nay đều diễn ra vào buổi tối. Ngày thơ cũng không ngoại lệ”.

Một nhà văn cũng đồng tình: “Khai mạc buổi tối mới hay. Thơ khai mạc trong khung cảnh đêm hợp hơn, ngay cả trình diễn thơ cũng dễ cuốn hút hơn ban ngày”. Có nhà thơ cho rằng, không nên lo lắng bị giảm lượng người cầm bút và khán giả lớn tuổi. Vì không thể vẹn cả đôi đường. Tổ chức Ngày thơ Việt Nam ở Hoàng thành Thăng Long là một cách đưa thơ đến gần với công chúng, thu hút giới trẻ hơn: “Khai mạc ngày thơ vào ban ngày như hồi ở Văn Miếu, đến buổi chiều đã vãn khách. Lần này, khai mạc vào tối, thi sĩ và khán giả có thể thăm thú ban ngày và nán lại đến buổi tối. Khán giả của Văn Miếu chủ yếu là những người làm thơ, họ kéo đến để chơi, để gặp gỡ nhau, bởi không gian Ngày thơ ở Văn Miếu bị khép và chia vụn không thể có sức chứa lớn như ở Hoàng thành Thăng Long”.

Một bộ phận người trong làng Văn nhận định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI là một “công trình” mang dấu ấn tập thể. Chưa bao giờ Ngày thơ Việt Nam lại mang dấu ấn của tập thể như lần này. Tạo nên diện mạo lễ hội thơ là ê-kip chuyên nghiệp được dẫn dắt bởi người được mệnh danh “phù thủy sân khấu”, tổng đạo diễn, nhà thơ Lê Quý Dương. Phần mỹ thuật được giao cho họa sỹ Phạm Hà Hải và nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên. Một thi sĩ giấu tên đánh giá: “Ngày thơ Việt Nam lần này khác hẳn. Có thể xem như một công trình tập thể. Không như trước đây, từ thiết kế, thi công, thậm chí mua vật liệu cũng chỉ do một người chỉ đạo, dẫn đến ngày thơ năm nào cũng giống năm nào”. Tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Trần Thanh Cảnh chung nhận định: “Ngày thơ Việt Nam những năm trước tổ chức ở Văn Miếu khá công thức, theo lối mòn, không có gì hấp dẫn để tham gia. Cho nên sau này, tôi “trốn” không đến. Đã là thơ thì phải luôn luôn được làm mới. Ngày thơ Việt Nam cũng vậy. Năm nay, tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, một không gian rộng lớn lại kèm theo nhiều hoạt động, có cả đường sách, sẽ kích thích khán giả. Bản thân tôi cũng thấy háo hức”. Nhà văn này nói sẽ dành nguyên ngày rằm tháng Giêng (tức Chủ nhật, 5/2/2023) cho những hoạt động ở Hoàng Thành Thăng Long: “Tôi sẽ đến từ sáng tham dự tọa đàm thơ, rồi đi lang thang tham quan đường sách, tham quan Hoàng thành… để chờ đến tối dự khai mạc”. Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” tạo sự chú ý của nhiều người cầm bút. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sau một số năm không quan tâm Ngày thơ Việt Nam, năm nay đã quyết định tái xuất. Bà có mặt ở Hoàng thành Thăng Long từ đêm tổng duyệt đến đêm khai mạc và góp vui bằng hai bài thơ tình nổi tiếng “Con đường”, “Người yêu cũ”.

“Nhịp điệu mới” vang khắp nơi

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các địa phương năm nay đều tổ chức Ngày thơ, trên tinh thần công văn của Hội Nhà văn Việt Nam từ tháng 10 với thông điệp: “Nhịp điệu mới”. Các nhà văn trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia nhau tham dự Ngày thơ ở các địa phương: “Tôi sẽ khai mạc Ngày thơ ở TP. Hồ Chí Minh buổi sáng. Sau đó, bay ra để buổi tối khai mạc ở Hoàng thành Thăng Long”, ông Thiều chia sẻ. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giải thích thông điệp của Ngày thơ năm nay: “Năm ngoái là Sống và Hy Vọng. Năm nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các tỉnh thành đều có thể tổ chức Ngày thơ trong niềm cảm hứng mới, nhịp điệu mới”.

Tin liên quan