‘Ngày tàn’ của văn mẫu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đang xôn xao với yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc từ năm học 2022-2023 sẽ “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” trong đánh giá kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học.

Theo đó, đây là biện pháp nhằm “khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu”.

Điểm c mục 2 của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông do Bộ vừa ban hành ngày 21/7 với nội dung dẫn ở trên đang đặt ra nhiều câu hỏi về câu chữ lẫn nội dung. “Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa”, có đồng nghĩa với “chấm dứt”, hay “không sử dụng” như nhiều báo đã giật tít? Sách là sách nào, kể cả những bộ sách giáo khoa mới đã và đang được áp dụng ở một số cấp/lớp? Nguồn văn bản/ngữ liệu mới để thay thế là gì, ở đâu? Áp dụng ngay từ năm học tới khi chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu, liệu giáo viên và học sinh có theo kịp?

Tuy nhiên, tôi đánh giá đây là chủ trương hết sức cần thiết và cần kíp để thay đổi tình trạng dạy văn và học văn bậc phổ thông hiện nay. Thậm chí còn quá muộn. Tư lệnh ngành giáo dục vốn xuất thân từ người học văn và dạy văn, ngay từ thời điểm này năm ngoái khi vừa nhậm chức Bộ trưởng đã đăng đàn yêu cầu chấm dứt “nạn” văn mẫu. Giờ đây có lẽ là thời điểm ông xắn tay vào thực hiện quyết tâm đó.

Có điều, tất cả đều cần có lộ trình. Khi chưa xây dựng và chuẩn bị được một hệ sinh thái văn bản/ngữ liệu chuẩn và phù hợp (thay thế văn bản sách giáo khoa), để tự mỗi giáo viên tìm kiếm chọn lựa theo ý mình, thì thật khó tìm được tiếng nói chung trong việc dạy và học môn này, giữa các lớp, các trường, các địa phương.

Đến những nhà lý luận phê bình văn học già đời khi đứng trước một văn bản/tác phẩm mới gặp cũng đều cần thời gian định thần, suy tư, khảo cứu khắp sách vở mới có thể nắm hết được tinh thần của nó, mới có thể đưa ra những đánh giá, bình luận. Chứ thả một tác phẩm mới toe bảo viết bình bàn trong 90 hay 120 phút nhiều khi cũng bó tay.

Chưa kể các cô cậu học sinh lâu nay môn Văn phao “văn mẫu” buộc đầy mình, nay đùng một cái thả ra bắt tự bơi, không phải chuyện ngày một ngày hai.

Nhưng dù sao, việc tuyên chiến với nạn văn mẫu là không thể dừng lại, không thể chần chừ. Mới hy vọng có được những thế hệ người trẻ đầy đủ năng lực cảm thụ thẩm mỹ, năng lực sáng tạo mới mẻ.

Tôi vẫn hình dung công văn trên mới chỉ là một dự lệnh mang tính khuyến khích thầy cô không sao chép đề mẫu, học trò không sao y văn mẫu. Và tất nhiên lộ trình tiếp theo sẽ là những chỉ đạo, những biện pháp, những thử nghiệm chi tiết, cụ thể.

Hôm nay Chủ nhật 24/7, kết quả thi tốt nghiệp THPT chính thức được công bố. Điểm môn Ngữ văn ra sao? Bao nhiêu điểm 10, bao nhiêu điểm liệt? Dẫu với một đề thi vốn rất “an toàn” như vậy.

MỚI - NÓNG