Ngày hội việc làm khối ngành kinh tế: Không chờ sinh viên tốt nghiệp mới tuyển dụng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 600 vị trí việc làm từ hơn 40 doanh nghiệp, ngày hội việc làm  FTU Career Fair năm 2023 với chủ đề “The race to success” là sự kiện tuyển dụng lớn nhất trong năm dành cho sinh viên khối ngành kinh tế trên địa bàn Hà Nội.

FTU Career Fair 2023 diễn ra ngày 25/11 với sự phối hợp giữa Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Ngoại thương và hơn 40 doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu trong và ngoài nước trên rất nhiều lĩnh vực FMCG, Retail, Bảo hiểm, Ngân hàng, Chứng khoán, Logistics, Thương mại điện tử, Sản xuất, Tư vấn – Giáo dục, Kế toán – kiểm toán, Công nghệ…

Ngày hội việc làm khối ngành kinh tế: Không chờ sinh viên tốt nghiệp mới tuyển dụng ảnh 1

Đã nhiều lần tham dự FTU Career Fair của nhà trường, Bùi Yến Nhi, sinh viên năm 3 chương trình tiên tiến Quản trị kinh doanh quốc tế, cho biết tham gia các chương trình Ngày hội việc làm là cơ hội để gặp được những nhân viên đang làm việc tại công ty mà mình quan tâm để tìm ra định hướng tuyển dụng nhân sự, yêu cầu và văn hoá của công ty, xem bản thân có thật sự phù hợp không. Nếu phù hợp thì hiện tại doanh nghiệp đang cần tìm ứng viên như nào, mình đã đáp ứng đủ chưa, nếu chưa đủ thì mình cần học hỏi thêm kỹ năng gì, trau dồi thêm kỹ năng nào?

"Đến các chương trình Ngày hội việc làm thì khi nghe tư vấn, có thể gặp các “đối thủ” có cùng mục tiêu. Từ đó có thể học hỏi cũng như nghe chia sẻ về định hướng của các bạn giúp em có thêm những góc nhìn khác nhau. Quan trọng hơn là có cơ hội ứng tuyển vào 1 công việc phù hợp và đáp ứng được các mong muốn của bản thân", Yến Nhi nói.

Bà Đặng Minh Huyền, Giám đốc nhân sự Ngân hàng MB Bank cho biết thời gian gần đây các hoạt động của ngân hàng truyền thống thay đổi rất nhiều bởi quá trình chuyển đổi số. Do vậy, cán bộ, nhân viên của ngân hàng luôn luôn phải cập nhật kiến thức mới, tìm cách làm việc mới, tư duy mới.

Theo bà Huyền, không chờ sinh viên sắp ra trường mới tiếp cận, thời gian qua MB Bank đã xây dựng các chương trình tiếp cận sinh viên từ năm nhất, năm hai, tổ chức các talk show để chia sẻ về cách làm việc mới, tư duy mới của ngành ngân hàng với sinh viên. Qua đó giúp sinh viên khi ra trường sẽ hòa nhập nhanh với doanh nghiệp.

Bà Huyền khẳng định quan điểm cho rằng sinh viên mới ra trường vào ngân hàng làm việc phải đào tạo lại từ đầu là không hẳn, bởi 100% nhân sự khi được tuyển vào MB Bank làm việc cho dù đã có kinh nghiệm ở các tổ chức khác thì vẫn được đào tạo tiếp.

Hiện tại mỗi năm MB Bank tuyển khoảng 1.000 sinh viên mới ra trường tất cả các nhóm ngành, tỉ lệ sau thử việc còn ở lại ngân hàng làm việc chiếm trên 80%; 20% còn lại không làm việc tiếp, có trường hợp do có định hướng mới về công việc hoặc sau quá trình thử việc thấy chưa phát huy được hết năng lực.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định nhà trường luôn chú trọng kết nối các bên liên quan tham gia đào tạo và hướng nghiệp cho sinh viên, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Phát huy thế mạnh là môi trường đào tạo năng động, sáng tạo và tích cực hội nhập quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương luôn xác định việc hợp tác, kết nối với doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài của nhà trường.

Vì vậy, việc hợp tác với các doanh nghiệp trong các hoạt động như Ngày hội việc làm ngày hôm nay là cơ hội tốt để mang lại những giá trị thiết thực cho cả sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường, nguồn lực cho sự phát triển của tương lai.

MỚI - NÓNG