Chết ngay trong giấc ngủ, đúng vào Ngày Giấc ngủ thế giới (World Sleep Day-15/3 hàng năm), nạn nhân có kịp cảm thấy đau đớn gì không? Đáng tiếc, Hypnos vị thần coi quản giấc ngủ lại là anh em sinh đôi với thần chết Thanatos.
Thế giới ngày càng mất ngủ. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm tiếng ồn, nghiện game, điện thoại, mạng xã hội, khủng hoảng kinh tế, âu lo về công việc,... Một khảo sát toàn cầu của công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Wakefield Research (Mỹ) năm 2022 cho thấy 37% người từ 18 tuổi trở lên ở Việt Nam bị mất ngủ, thiếu ngủ. Trong các quốc gia được khảo sát, thì đứng đầu là nước Anh với 66% dân số bị thiếu ngủ, Singapore (61%), Úc (59%), Mỹ (53%), Trung Quốc (51%),.. Người Việt cùng với Trung Quốc đứng đầu với trung bình 10 ngày mỗi người mỗi năm dành ra chỉ để ngủ bù.
Còn theo một nghiên cứu khác của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) từ 68 quốc gia cũng trong năm 2022, thì tỷ lệ thiếu ngủ của thanh niên Nhật Bản đứng đầu với 71%, tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc,…
Chủ đề của Ngày Giấc ngủ thế giới năm nay là “Công bằng giấc ngủ cho sức khỏe toàn cầu”. Sự bất bình đẳng của nhân loại này đúng là không chỉ về cơm ăn áo mặc, học hành, về quyền sống, quyền tự do, quyền được hạnh phúc, mà còn là quyền được ngủ một cách đầy đủ, an toàn và an yên. Nhưng e rằng không dễ. Tỷ lệ mất ngủ ở những nước giàu vẫn cao ngất đó thôi. Người nghèo khó ngủ vì cái bụng đói, vì lo lắng mưu sinh, nhưng còn những tỷ phú, đại gia, quan chức thời củi lửa này liệu có dễ ngủ hơn không?
Truyện ngắn Buồn ngủ của văn hào Nga A. Chekhov kể về bé gái Varka 13 tuổi phải đi ở đợ. Suốt đêm ngồi ru đứa con trai của ông chủ mà nó cứ kêu khóc không chịu ngủ, trong khi cô bé buồn ngủ rũ rượi, do cả ngày làm việc đến kiệt sức. Mỗi lần chợp mắt lại bị chủ túm tóc đánh mắng, sai việc. Trong giây phút mệt mỏi thiếp đi ấy, cô bé mơ lại cái chết đau đớn của cha mình, rồi thấy mẹ mình ngồi lê lết ăn xin bên đường. Truyện kết thúc bằng cảnh trong chập chờn ảo giác, Varka đã bóp cổ đứa bé, rồi “nằm xuống sàn, cười sung sướng vì mình có thể ngủ được và trong chốc lát đã ngủ say như chết”. Một kết thúc bi kịch và ám ảnh. Định mệnh mang tên Hypnos và Thanatos.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ban ngày tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ giúp giấc ngủ sâu và ngon hơn về đêm. Mấy ngày qua, xôn xao với hiện tượng 2 mặt trời cùng lúc xuất hiện trong những bức ảnh tại một số nơi. Các chuyên gia thiên văn cho rằng đó chỉ là hiện tượng khúc xạ do chụp qua thấu kính máy ảnh hoặc camera điện thoại. Hoặc có thể là hiện tượng trùng hợp do tán xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời.
Nhưng cho dù cùng lúc có hai mặt trời thật, thì nguồn ánh nắng phì nhiêu ấy có đủ giúp chúng ta bớt mất ngủ hơn không?