Ngày ấy bên bờ Hiền Lương

TP - Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nước ta tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Sông Hiền Lương ở phía bắc tỉnh Quảng Trị bất đắc dĩ trở thành giới tuyến của hai miền Nam - Bắc, thành nhân chứng lịch sử của bao mất mát, đau thương, nỗi uất hận... đằng đẵng 21 năm trời.
Ngày ấy bên bờ Hiền Lương ảnh 1

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương

Cuộc chiến không tiếng súng

Sông Hiền Lương xưa mang tên Minh Lương, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ra cửa Tùng, chiều dài chừng 70km, nơi rộng nhất 200m. Vào thời Minh Mạng, do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên vua, nên được đổi thành Hiền Lương. Dưới thời Pháp thuộc, sông có thêm tên Bến Hải. 


Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, vĩ tuyến 17 được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời, sau hai năm (7/1956), cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thực hiện để thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ với âm mưu từ trước, hất cẳng Pháp can thiệp trực tiếp vào miền Nam. Từ chỗ giới tuyến quân sự tạm thời, sông Hiền Lương đã trở thành nỗi đau chia cắt của dân tộc, của nhân dân đôi bờ vốn xưa nay là máu thịt.

Ông Lê Công Cầu (87 tuổi), nhà ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nguyên là Bí thư Đảng bộ của xã Vĩnh Thành thời kỳ 1966 - 1973 vẫn nhớ như in những ngày tháng đau thương của đôi bờ Hiền Lương. Ông Cầu trở về nhà từ chiến trường đánh Pháp sau ngày Hiệp định Giơnevơ và được chi bộ Đảng Vĩnh Thành phân công làm chủ nhiệm hợp tác xã Hiền Lương, kiêm đội trưởng dân quân du kích của xã.

Theo ông Cầu, hòa bình được lập lại sau ngày hiệp định ký kết, nhân dân cả nước ai cũng vui mừng chờ ngày tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Nhưng không lâu sau đó, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài của Mỹ - Ngụy ngày càng lộ rõ. Đầu tiên, chúng cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào công giáo di cư vào Nam, dưới chiêu bài tuyên truyền “Chúa đã vào Nam”. Ngày đó, cầu Hiền Lương luôn chật ních người qua lại hai miền. Cán bộ tập kết từ Nam ra, đồng bào công giáo từ Bắc vào. Biết rõ âm mưu giành dân của địch, người dân xã Vĩnh Thành ở bờ Bắc được giao nhiệm vụ tuyên truyền và đùm bọc đồng bào từ Bắc vào. Mặc dù mới thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng người dân xã Vĩnh Thành vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Bắc trên đường di cư. Đã có rất nhiều đồng bào công giáo nhờ đó mà hiểu rõ âm mưu của địch, tự nguyện quay về quê hương bản quán.

Đôi bờ Hiền Lương những năm 1954 - 1964, thực tế hòa bình vẫn được duy trì nhưng lại là tâm điểm của những cuộc chiến không kém phần khốc liệt về lý trí, tâm lý, tư tưởng và cả sinh mạng. Là vùng phi quân sự nên không có xung đột vũ trang, nhưng cảnh sát chính quyền Sài Gòn thường xuyên gây hấn, đặc biệt là hai đầu cầu Hiền Lương. Hai bên giới tuyến thường xuyên có những cuộc “chọi cờ”, “chọi loa” nhằm thể hiện sức mạnh cũng như ý chí của mỗi bên. Cột cờ ở hai bờ giới tuyến liên tục được tôn cao, những dàn loa phóng thanh luôn được nâng cấp với công suất cực đại… nhưng rồi phần thắng vẫn luôn thuộc về chính nghĩa.

“Ngay cả việc sơn cầu, phía bên kia cũng luôn gây hấn. Với mong muốn thống nhất nước nhà, chúng ta luôn muốn giữ một màu sơn trên cầu Hiền Lương, nhưng phía họ thì không. Họ luôn dùng màu khác để phân biệt giữa hai miền. Cứ mỗi lần bên kia thay màu sơn, đêm đến đội sơn cầu của ta lại lặng lẽ sơn theo màu đó. Khi sơn gần đến vạch sơn trắng (giới tuyến) kiểu gì lính Sài Gòn cũng chửi bới, dọa dẫm, thậm chí có lúc chúng còn hung hăng đá cả thùng sơn của ta rơi xuống nước” - ông Cầu nhớ lại.

Hiền Lương 7 nhịp được ví như một nhát chém lên thân mình Tổ quốc, là nỗi đau của người dân Việt Nam, của người dân đôi bờ Hiền Hương đằng đẵng 21 năm trời. Đất nước thống nhất, hòa bình, người mất, người còn, nhưng những câu chuyện của đôi bờ Hiền Lương vẫn được đời sau kể mãi.

Nhằm xóa bỏ ranh giới ngăn cách giữa hai miền, khi chính quyền Sài Gòn chưa khóa tuyến, nhân dân bờ Bắc vẫn thường xuyên qua lại bờ Nam mặc cho đám cảnh sát gây khó dễ. Bà Nguyễn Thị Nậy và Lưu Thị Con, nay đã gần 80 tuổi cho biết, ngày đó để sang được bờ Nam, các bà thường phải đi thành nhóm, gánh theo các sản vật như ngô, khoai, sắn... Sau khi có giấy thông hành của phía bờ Bắc, các bà qua cầu đến ranh giới bờ Nam là bị cảnh sát địch chặn lại không cho đi. 

Theo bà Nậy, nhiều lúc cãi lí cả buổi sáng chúng mới cho sang. Khi qua được “cửa ải” của lính địch, toàn bộ sản vật sẽ được các mẹ, các chị biếu bà con bờ Nam và mang về là những lá thư gửi người thân và thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động của địch ở phía bờ Nam.

Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Phía bờ Bắc đạn bom mù trời, cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đánh phá trước tiên của máy bay, tàu chiến Mỹ. Ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom một ngày liền, làm cho cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ ta bị gãy. Cũng ngay trong đêm đó, các chiến sĩ đặc công thủy Đoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện lá cờ ba que trên bầu trời giới tuyến. 

Ngày ấy bên bờ Hiền Lương ảnh 2 Bà Nậy và bà Con kể về những ngày đấu tranh gian khổ để sang bờ Nam

Bảy nghìn ngày khắc khoải đợi chờ

Là một cán bộ xông xáo ở bờ Bắc, ông Cầu đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện sinh li, tử biệt giữa đôi bờ Hiền Lương trong những năm tháng chia cắt. Theo ông Cầu, chỉ sau 1 năm hiệp định được ký kết, chính quyền Ngô Đình Diệm đơn phương “khóa tuyến” âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, thành lập một quốc gia riêng lẻ. Cầu Hiền Lương bị chia đôi bằng một vạch sơn trắng làm giới tuyến Bắc - Nam. Chỉ cách nhau có gang tấc, nhưng hàng chục năm trời con không gặp mẹ, vợ không gặp chồng, đồng bào hai bên bờ không thể
gặp nhau.

Ông Cầu kể, ngày đó, chính quyền Sài Gòn lùa toàn bộ dân bờ Nam vào “ấp chiến lược”. Hễ phát hiện ra ai có mối liên hệ với bờ Bắc là chúng o ép, đánh đập, đối xử tàn bạo. Mặc dù cư dân đôi bờ chỉ cách nhau có trăm mét, bình thường có thể nói chuyện cùng nhau nhưng trong hoàn cảnh đó thì không ai dám. Bà con hai bên bờ muốn nhắn tin cho nhau phải bằng ám hiệu: Đầu vấn khăn tang và hai tay úp vào mặt là báo tin có người chết; hai cánh tay quặt ra sau lưng là dấu hiệu có người bị bắt... Khi có người qua đời ở hai bên giới tuyến, nhân dân thường cố tình đưa người quá cố đi dọc bờ sông để người thân phía bên kia biết, cùng ra bờ sông đưa tiễn. Bóng của họ in xuống dòng sông thành 4 đoàn người, lặng lẽ đi dọc hai bờ sông” - ông Cầu kể.

Ông Cầu có người đồng đội tên Tính, là cán bộ địch vận của huyện Vĩnh Linh, nhà ở bờ Nam sông Hiền Lương. Ông Tính bị thương được đưa ra Vinh chữa trị, khi quay về thì bị khóa tuyến, không còn cách nào về nhà. Chiều nào ông cũng ra bờ sông ngóng về phía bên kia. Vợ chồng, cha con nhìn thấy nhau đó nhưng không dám mở lời vì sợ địch phát hiện. Cứ thế, cảnh chồng Bắc, vợ Nam đằng đẵng mấy chục năm trời.

Ngày đôi bờ Hiền Lương bị chia cắt, ông Trần Xuân Tâm, (trưởng thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) mới hơn 10 tuổi. Ông và gia đình bị chính quyền địch lùa vào ấp chiến lược. Mặc dù chưa đủ lớn để thấu hiểu nỗi đau chia cắt đất nước, nhưng trong ký ức của ông Tâm, đó là những ngày như ở trong lao tù. Địch thường xuyên gọi từng người lên tra khảo về mối liên hệ với miền Bắc. Chúng mà phát hiện ra ai có người thân ở miền Bắc thì gia đình đó bị đối xử tàn tệ, bị đánh đập, kìm kẹp. Vì thế mà có lúc cả trăm người bờ Nam liều mình bơi sang bờ Bắc mặc cho quân địch xả súng ngăn cản, thương vong vô kể.   

Cũng ở thôn Xuân Hòa, bà Trần Thị Phước, năm nay 81 tuổi vẫn nhớ như in cái thời khắc bà cùng dân làng bơi sang bờ Bắc để tìm chồng. Ông Trần Văn Đại chồng của bà là một cán bộ Việt Minh chống Pháp. Sau hiệp định Giơnevơ, ông Đại tập kết ra Bắc. Khi ra đi, ông hẹn 2 năm nữa sẽ trở về khi cuộc tổng tuyển cử thành công. Nhưng rồi ông đã lỡ hẹn vì Mỹ - Ngụy phá vỡ hiệp định. Ở trong ấp chiến lược, bà và gia đình bị chúng kìm kẹp, đánh đập, tra hỏi suốt ngày. Sự căm thù chế độ Mỹ - Ngụy, cộng với nỗi nhớ chồng, bà lặng lẽ lên quyết tâm vượt tuyến.

Trong một lần cùng bà con được phép rời ấp chiến lược để ra làm đồng, bà và nhiều người khác cùng nhau lao ra sông, phía sau lính Việt Nam Cộng hòa đuổi riết, nổ súng chát chúa. Ở phía bờ Bắc, người dân thấy thế, bất chấp nguy hiểm đưa đò ra đón. Rất nhiều người thương vong, riêng bà Phước may mắn được cứu lên bờ. Nhờ phía bờ Bắc giúp đỡ, bà đã tìm được chồng đang công tác ở Hà Nội. Bà được cho đi học. Sau ngày giải phóng, 2 ông bà trở lại quê hương công tác ở huyện nhà cho đến ngày về hưu. 

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.