Huyền thoại 'cờ thiêng' Hiền Lương

Lá cờ tung bay ở Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. ảnh: H.T
Lá cờ tung bay ở Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. ảnh: H.T
TP - Nhắc đến Cột cờ Hiền Lương bên dòng Bến Hải lịch sử, nơi ghi dấu một thời đất nước chia cắt, là nhắc đến những ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay mỗi ngày. Ở đó, ngoài một nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Diệm đi vào trang sách với huyền thoại vá cờ Tổ quốc trong những năm đánh Mỹ cứu nước, còn có những con người may và vá cờ thầm lặng ghi danh vào sử sách nước nhà mà ít người biết đến...

Mẹ Viễn vá cờ tuổi… 100

Trong nếp nhà ngói bình dị của ông Lê Công Lưu, nguyên Phó trưởng Đài truyền thanh huyện Vĩnh Linh ở khóm Vinh Quang, thị trấn Hồ Xá (Quảng Trị) trưa hè tháng Tư, tôi bất ngờ gặp một bà lão đã vào độ xưa nay cực hiếm-100 tuổi, mà tai tinh tường, mắt tinh anh, lưng thẳng băng đang ngồi hóng mát trước hiên. Mẹ là Trần Thị Viễn. Mẹ cười bảo, cháu muốn nghe chuyện vá cờ Tổ quốc bên vĩ tuyến 17 à, cứ thong thả vô nhà uống bát nước chè xanh đã.

Mẹ Viễn sinh ra ở làng Hiền Lương xã Vĩnh Thành, cùng quê với mẹ Diệm. Sau Hiệp định Genève, cầu Hiền Lương sông Bến Hải trở thành ranh giới chia cắt hai miền đất nước. Như một cuốn phim quay chậm, mẹ Viễn kể: “Theo hiệp định, tất cả đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Treo cờ là chuyện thường nhưng đấu cờ mới là việc trọng dằng dặc trong 21 năm. Đấu cờ là đấu tranh chính trị. Ở bờ Bắc, ban đầu cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được treo trên một cây phi lao cao 12m. Bên kia bờ Nam, cờ Việt Nam Cộng hòa được cắm lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Sau đó, bờ Bắc tăng chiều cao của cờ lên 18m, cờ được làm bằng vải sa-tanh rộng 24m. Thì ở bờ Nam chính quyền Ngô Đình Diệm ngay sau đó dựng một trụ cờ xi măng cốt thép cao 30m. Tháng 7/1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gia công một cột cờ cao 34,5m rồi vận chuyển từ Hà Nội vào và treo lá cờ rộng 108m2. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau đó phải tôn cột cờ của mình lên 35m, cao hơn phía bờ Bắc 0,5m… Đến năm 1962, phía bờ Bắc lại gia công một cột cờ cao 38,6m chuyển vào Hiền Lương, kéo lá cờ rộng 134m2, tạo thành một chấm đỏ cao vút ở bờ Bắc. Không thể dựng cờ cao hơn nên chính quyền Ngô Đình Diệm phá cờ bằng trò điều hàng trăm máy bay ném bom và hàng chục ngàn đạn pháo cỡ lớn trong căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra, ngoài Hạm đội 7 Biển Đông câu vào. Năm 1967, Mỹ ném bom đánh gãy cột cờ, lá cờ cũng bị phá hỏng. Để có cờ treo, bộ đội, công an vũ trang ta cặm cụi vá cờ dựng lại”.

Huyền thoại 'cờ thiêng' Hiền Lương ảnh 1

Ngày hội Thống nhất non sông ở Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Thấy bộ đội ta vất vả chiến đấu, lại phải lo may vá cờ nên mẹ Viễn và chị dâu Ngô Thị Diệm không đi sơ tán mà ở lại tình nguyện vá cờ. Cờ luôn được treo lên, dù nát thịt tan xương cũng phải lo giữ cho bằng được. Còn cờ, đất nước còn. Mất cờ xem như mất nước. Huyền thoại về người vá cờ cũng được viết lên từ đó. Mẹ Viễn bảo, lúc đầu mẹ và mẹ Diệm ở chung nhà trong mảnh vườn ở làng Hiền Lương để tiện việc vá cờ, song sau nhà bị bom đánh sập, hai mẹ phải đào hầm trú. Lúc rỗi, hai mẹ lại cùng dân quân tăng gia sản xuất, chăm sóc thương binh và cùng bộ đội đi chặt gỗ dự trữ cột cờ. Do phía bờ Nam liên tục đánh phá, cờ may bao nhiêu cũng bị phá rách. Nhiều khi gãy hết cột cờ, dân quân ở bờ Bắc phải trèo lên cây cao để treo cờ tượng trưng cho nhân dân miền Nam nhìn thấy mà yên tâm. Lá cờ ở bờ Bắc luôn là nỗi ám ảnh của phía Việt Nam Cộng hòa.

“Với các mẹ, vá cờ không phải là khó do đã quen với việc thêu thùa, nhưng khi mới ở lại bên bờ giới tuyến, bom đạn cứ ì ầm bên tai. Nhiều lúc đang tỉ mẩn vá những lỗ thủng do đạn bắn xuyên qua, địch bất ngờ thả bom, giật mình nên đâm cả kim vào tay. Để lá cờ được treo lên, không biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Thời gian eo ngặt nên mỗi lần vá cờ, các mẹ luôn phải chú trọng vào vị trí ngôi sao năm cánh để lá cờ, dù có nhiều vết vá, vẫn giữ được phần hồn. Với mẹ, vá lành ngôi sao cũng là gắn lành lại năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt”, mẹ Viễn xúc động.

Người may cờ duy nhất ở Hiền Lương

Tôi lần vô kiệt 150 Hàm Nghi ở khu phố 9, phường 5 tìm người duy nhất cần mẫn may những lá cờ Tổ quốc để ngày đêm tung bay kiêu hãnh trên cột cờ Hiền Lương lịch sử. Chủ nhân mái nhà xinh xắn giữa vườn cây trái, tuổi 78, xem báo mà ông chả lụy kính lão.

Tuổi 20 trai trẻ, chàng trai Nguyễn Đức Lãng ở làng Mộ Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị háo hức lên đường tòng quân. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều về Phòng Hậu cần Công an vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh. Rồi nhận nhiệm vụ ra Kho 101 Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh ở Hà Nội nhận cờ về treo trên cột cờ Hiền Lương. Đó là năm 1960. Thủơ ấy, cờ Tổ quốc có rất nhiều cỡ. Anh nhận về 2 loại. Loại 4,8m x 3,2m dùng để treo trên cột cờ Hiền Lương, lúc đó tạm làm bằng thân cây dương. Loại 4m x 6m dùng treo trên cột cờ bằng sắt. Một năm anh guồng xe đạp ra Hà Nội 2 lần để nhận cờ mang về. Những ngọn cờ đêm ngày tung bay trong niềm tự hào của nhân dân bờ Bắc và thỏa lòng mong ngóng của đồng bào ruột thịt ở bờ Nam.

Nước nhà thống nhất, mẹ Viễn lẫn mẹ Diệm đều đã mất đi người chồng hy sinh cho độc lập của dân tộc. Trong ký ức của hai mẹ là những tháng năm sống cùng ngọn cờ Tổ quốc bên bờ vĩ tuyến 17. Mẹ Diệm trước lúc mất (mẹ từ trần năm 1993, được truy tặng Anh hùng LLVTND năm 2007) đã dặn dò con cháu chôn cất mình bên dòng Hiền Lương để ngày đêm được ngắm nhìn ngọn cờ Tổ quốc.

Ông Lãng kể, ban đầu ông nhận nhiệm vụ ra Hà Nội nhận những lá cờ về treo, song chiến tranh mỗi lúc một ác liệt, Bộ Tư lệnh quyết định cấp tiền cho Công an vũ trang Vĩnh Linh tự mua vải về để may cờ nên ông được phân công đi mua vải mang về thuê may tại Hợp tác xã May Nam Hồng. Mỗi lá cờ thanh toán tiền công những 15 đồng. Một khoản tiền rất lớn vào thời điểm đó. Vậy là ông tìm mọi cách để may cờ. Khi đã thạo việc, đơn vị cấp cho ông một chiếc máy may Liên Xô. Vậy là ông là quân nhân duy nhất ở Vĩnh Linh đảm trách nhiệm vụ cao cả này.

Những lá cờ đầu tiên Trung sĩ Nguyễn Đức Lãng may còn chút bỡ ngỡ nhưng dần đường chỉ mũi kim nét hẳn. Cứ 5 ngày hoàn tất 2 lá cờ, mỗi lá may hết 122 m vải màu đỏ, 12 m vải màu vàng. Điều kiện chiến tranh không mua được vải xoa, ông phải may cờ bằng vải của dệt Nam Định loại khổ 80, ký hiệu 152, trên mỗi biên cờ phải may đến 5-6 đường chỉ, mới hy vọng chịu nổi sức gió. Mỗi lá cờ thời đó, sau khi may xong đóng gói cân nặng đúng 12kg. “Lúc đó, một tháng là thay một lá cờ mới, nhưng gặp gió Lào hay gió mùa đông bắc thì 15 ngày đã phải thay cờ. Mỗi năm tôi phải may 10-12 lá cờ khổ đại như vậy”, người lính già đầu bạc Nguyễn Đức Lãng bồi hồi nhớ lại.

Cầu Hiền Lương phục dựng nguyên bản 2 màu sơn xanh - vàng

Phó Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị), ông Ngô Văn Minh cho biết, cầu Hiền Lương-biểu tượng lịch sử kỷ niệm một thời đất nước bị chia cắt, đã được phục dựng nguyên bản 2 màu sơn xanh-vàng, đúng dịp 30/4, kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc phục dựng 2 màu cầu Hiền Lương với màu xanh hòa bình ở phía Bắc, màu vàng ở phía còn lại, nhằm phản ánh lịch sử một cách chân thực, cũng như tạo điểm nhấn cho khu di tích, đồng thời giáo dục ý nghĩa và giá trị của thống nhất, toàn vẹn non sông Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.