“Đang rất ổn, đùng một cái phải dừng và chưa biết khi nào được tổ chức thi trở lại, sợ ảnh hưởng tương lai của con nên chúng tôi đã phải tính đến phương án đưa con ra nước ngoài đăng ký thi IELTS”, chị Thảo nói.
Đây là thời điểm nước rút để học sinh cuối cấp trung học phổ thông thi IELTS phục vụ xét tuyển đại học cũng như chuẩn bị cho kỳ du học vào mùa xuân năm tới. Vì vậy, việc dừng tổ chức kỳ thi IELTS đã khiến nhiều học sinh, sinh viên bị thay đổi kế hoạch học tập và có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cả phụ huynh khi phát sinh nhiều chi phí khác.
Hiện tại, nhiều trường đại học, cao đẳng dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế làm chuẩn đầu ra. Do đó, nếu “tắc” kỳ thi IELTS sẽ dẫn đến “tắc” xét công nhận tốt nghiệp. Việc dừng thi IELTS còn ảnh hưởng đến du học, hợp tác lao động nước ngoài.
Theo quy định, các tổ chức, cá nhân có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Do vậy, việc dừng tổ chức thi IELTS, theo các đơn vị tổ chức, là lý do bất khả kháng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của đơn vị nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi, và đó chính là lý do phải dừng cho đến khi các tổ chức này đảm bảo được yêu cầu về mặt pháp lý và được Bộ cấp phép.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm đưa các hoạt động trong lĩnh vực quản lý vào quỹ đạo là điều hết sức cần thiết, song việc Bộ chủ quản đột ngột yêu cầu dừng tổ chức các cuộc thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ vốn đang chạy trơn tru như hiện nay chẳng khác nào một cú “phanh gấp”, gây bao hệ lụy, xáo trộn.
Không riêng cú “phanh gấp” này, từ nhiều năm qua, ngành giáo dục đào tạo cũng liên tục “bẻ lái” khiến học sinh, phụ huynh và cả giáo viên nhiều phen chới với. Rất nhiều quy định, thay đổi gây phiền toái, tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức, từ thi cử, nội dung môn học, sách giáo khoa đến cả việc yêu cầu giáo viên phải có những chứng chỉ này nọ một cách vội vàng, gấp rút rồi sau đó lại nhanh chóng bãi bỏ.
Chính sách không thể ra đời bằng sự ngẫu hứng nhất thời mà phải tính đến sự ổn định lâu dài và đảm bảo lợi ích chung của số đông. Thay vì cùng lúc yêu cầu ngưng toàn bộ hoạt động thi IELTS, các cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp khác linh hoạt hơn, vẫn đạt được hiệu quả quản lý nhưng không làm ngưng trệ hoạt động quan trọng này.
Tăng cường quản lý để đem đến sự thông suốt và hiệu quả hơn chứ không phải để gây xáo trộn, đình đốn và ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhiều người dân theo kiểu ngẫu hứng.