Ngập lụt, nhà siêu mỏng... làm hỏng bộ mặt Thủ đô

Ngôi nhà 3 tầng có mặt tiền rộng với một cạnh siêu mỏng.
Ngôi nhà 3 tầng có mặt tiền rộng với một cạnh siêu mỏng.
TPO - KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc nhưng chỉ nhắc đến tình trạng ra khỏi nhà là tắc đường, hễ mưa là ngập, đường mới mọc lên là lại xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo… thì đã làm ảnh hưởng đến cả bộ mặt đô thị.

Tại buổi toạ đàm sơ kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô diễn ra ngày 15/7, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích: “Hà Nội trước kia từng được Bộ Xây dựng biểu dương, công nhận quy hoạch khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, giống như khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng giờ trong khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày càng hiện đại thì khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm lại trở thành nỗi bức xúc lớn. Đó là do chúng ta không quản lý, không kiểm soát được thực hiện quy hoạch. Nhìn tổng thể có thể nói quy hoạch Thủ đô của chúng ta vẫn còn lộm cộm lắm”.

Cũng theo KTS Trần Ngọc Chính, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc nhưng chỉ nhắc đến tình trạng ra khỏi nhà là tắc đường, hễ mưa là ngập, đường mới mọc lên là lại xuất hiện nhà siêu mỏng siêu méo… thì đã làm ảnh hưởng đến cả bộ mặt đô thị, đến đánh giá của mọi người về đô thị rõ ràng là chưa ổn.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Bùi Xuân Tùng cho biết, Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, trong đó nêu rõ yêu cầu tiên quyết, then chốt trong việc xây dựng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo quy hoạch chung. Qua 3 năm thực hiện, đến nay, thành phố đã ban hành 28 đồ án quy hoạch chung các huyện, thị trấn; 5 đô thị vệ tinh; 38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Tuy vậy, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Chất lượng một số đồ án quy hoạch và lực lượng tư vấn đủ năng lực để lập các quy hoạch lớn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Theo ông Tùng, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục và các cơ quan, đơn vị ra ngoài khu vực nội đô lịch sử, Hà Nội đã thực hiện theo đúng Điều 9 Luật Thủ đô là không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội đô. Đặc biệt, để kiểm soát dân số khu vực nội đô lịch sử, định hướng giảm dân số trong khu vực này từ 100.000 người xuống còn 45.000 người… Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này cũng đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc một số cơ quan, đơn vị sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành nhưng không chịu bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố quản lý.

Còn ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, khối lượng công việc lớn mà Hà Nội đã làm được trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc xây dựng Thủ đô 3 năm qua, nhưng nhấn mạnh việc ban hành được quy hoạch là quan trọng còn việc thực hiện quy hoạch thế nào lại quan trọng hơn.

MỚI - NÓNG