Chưa biết bao giờ xử lý hết nhà siêu mỏng, siêu méo

Nhà siêu méo xây lên nhưng không có người ở
Nhà siêu méo xây lên nhưng không có người ở
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay hàng trăm nhà siêu mỏng, siêu méo đã được xử lý. Tuy nhiên, cứ có đường mới là nhà kỳ dị lại mọc lên.

Về hiện tượng hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên tuyến đường vành đai 2, ông Lý Chí Hồng, Phó trưởng phòng Kế hoạch (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, UBND Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành xác minh thông tin báo chí phản ánh.

Nhà siêu méo xây lên nhưng không có người ở

Theo ông Hồng, hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo trong chuyên môn được gọi là tình trạng nhà trên đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Khi đường mở qua khu vực dân cư sẽ xuất hiện những trường hợp thửa đất còn lại bị cắt xén còn lại hình dạng kỳ dị.

Những nhà có tổng diện tích lớn hơn 15 m2 vẫn được xây dựng theo quy định của TP về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn.

Ông Lý Chí Hồng cho hay, nhà kỳ dị trên tuyến đường Võ Chí Công (tuyến đường vành đai 2) nằm ở hai quận Tây Hồ và Cầu Giấy.

Báo cáo của quận Tây Hồ cho hay, quận có 2 trường hợp nhà được xây dựng siêu mỏng, siêu méo như báo chí phản ánh. Có nhà một tầng chỉ 4 m2, hình tam giác nhưng không có người ở.

Qua kiểm tra tổng thể, quận Tây Hồ có 18 trường hợp về cơ bản là đất không đủ mặt bằng xây dựng. Có những nhà diện tích nhỏ đang được yêu cầu giữ nguyên trạng 1 tầng không phát sinh siêu mỏng, siêu méo.

Trong khi đó ở quận Cầu Giấy, tuyến đường vành đai 2 đi qua địa bàn phường Nghĩa Đô có 26 lô đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng. UBND quận đã giải quyết 19 trường hợp cho hợp thửa, còn 7 trường hợp sẽ tiếp tục giải quyết trong các năm tiếp theo.

Cụ thể, 4 trường hợp đất trống có khả năng hợp thửa với thửa đất nhà liền kề, UBND quận Cầu Giấy tiếp tục vận động hướng dẫn các hộ dân hợp thửa. Ba trường hợp không thể tiến hành, UBND quận đang giao UBND phường Nghĩa Đô thu hồi theo quy định.

“Thẩm quyền giám sát, kiểm tra xử lý các nhà không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng thuộc quận, huyện. Để xảy ra tình trạng này là chủ đầu tư không tính đến từ khi lập dự án để giải phóng mặt bằng. Hiện, TP đã yêu cầu chủ đầu tư phải tính đến công trình sau cắt xén có thể xảy ra siêu mỏng, siêu méo để xử lý từ đầu”, vị Phó phòng Kế hoạch nói.

Có đường mới là có nhà kỳ dị

Ông Hồng cho rằng, các trường hợp diện tích thửa còn lại sau khi giải phóng mặt bằng nhỏ hơn 15 m2 và có hình dạng hình học kỳ dị, sẽ do Phòng Quản lý đô thị cấp quận, huyện xem xét. Việc xem xét sẽ dựa trên bước kết cấu xây dựng để lên phương án xử lý hợp thửa hoặc thu hồi.

Ông dẫn chứng, có nhà một cạnh 80 cm nhưng phải xem xét các bước kết cấu của công trình có đủ điều kiện xây dựng không. Một cạnh 80 cm nhưng công trình có 3 cạnh, diện tích vẫn lớn hơn 15 m2 thì phải xem xét, từng trường hợp cụ thể.

Những trường hợp không đủ điều kiện xây dựng phải thu hồi, quận có trách nhiệm xây dựng điểm công trình đô thị như cột ATM, trạm tuần tra, biển quảng cáo…

"Tóm lại, những trường hợp không đủ điều kiện xây dựng phải hợp thửa, hợp khối sẽ giữ nguyên hiện trạng hoặc thu hồi sau 30 ngày UBND quận ra thông báo”, ông Hồng khẳng định.

Cũng theo ông Hồng, trường hợp hộ dân có đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, không đồng ý với phương án thu hồi, quận huyện phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, trước tháng 12/2015, đơn vị này tổng rà soát nhà siêu mỏng siêu méo đợt 1, phát hiện 513 trường hợp đã xử lý hợp thửa, thu hồi 244 trường hợp, còn lại 269 trường hợp chưa xử lý. Đợt 2 vào cuối tháng 12/2015, Sở Xây dựng rà soát phát hiện 213 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo và đã xử lý 100 trường hợp. 113 trường hợp còn lại các quận huyện tiếp tục xử lý. Hiện, Sở Xây dựng đang tổng hợp các công trình siêu mỏng, méo từ đầu năm 2016 đến nay.

Nói về lộ trình đến bao giờ Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng này, ông Lý Chí Hồng cho hay, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục ra soát yêu cầu quận, huyện xử lý chứ không thể nói bao giờ "triệt để".

"Đường mọc lên là dân cứ xây, mà trách nhiệm giám sát xây dựng ở quận huyện, phường, xã lại không tốt", ông Hồng nói.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG