Mùa đại hội cổ đông 2021:

Ngân hàng đua gặt 'mùa vàng'

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng đua gặt 'mùa vàng'
TP - Đại hội cổ đông Ngân hàng năm nay 2021 trở thành “mùa vàng” đối với nhiều nhà băng. Với việc tăng trưởng cao, lợi nhuận vượt so với kế hoạch, cổ phiếu tăng mạnh, bầu không khí ĐHCĐ tại các ngân hàng đã diễn ra trong tâm trạng vui, phấn chấn và cổ đông rất hài lòng. Tuy nhiên, giai đoạn mới với chiến lược 5 năm ( 2021-2025) đã đặt các ngân hàng trước nhiều thách thức mới: tăng vốn, kiểm soát nợ xấu, đua CASA và Ngân hàng số.

Lãi lớn, ồ ạt xin cổ đông tăng vốn khủng

Ngày 29/4, tại TP HCM, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (mã cổ phiếu LPB) tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021. Với sự đồng thuận cao của các cổ đông, Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020; Phương án tăng vốn điều lệ lên 15.700 tỷ đồng; Chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 12%; Bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Thụy vào HĐQT…

Dự đại hội, cả cổ đông LPB và giới lãnh đạo nhà băng này đều phấn chấn. Phát biểu, một số cổ đông “trung thành” đi cùng LienVietPostBank từ ngày đầu thành lập nói năm nay họ rất vui khi thấy hoạt động của ngân hàng tăng vượt bậc, cổ phiếu đạt mức tăng gần gấp đôi so với cách đây vài tháng chuyển sàn Hose (từ 12.800 đồng lên mức giá 21.500 đồng/cp ngày 29/4). Một cổ đông thậm chí còn đề nghị mức thù lao cho HĐQT nên tính theo tỉ lệ phần trăm lên hẳn con số 3% (cao gấp đôi mức 35 tỷ HĐQT và Ban lãnh đạo đề xuất). Tuy nhiên, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn xin từ chối ưu ái này của cổ đông vì với HĐQT và Ban lãnh đạo Ngân hàng, mức thù lao kia đã đủ tương xứng rồi. Ông Nguyễn Đức Thụy (11/9/1976), còn được biết đến là "Bầu Thụy", là người có tầm nhìn chiến lược, đã nắm giữ chức danh chủ tịch cũng như các chức danh quan trọng tại nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực như: tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, năng lượng, xi măng,… Việc “bầu Thụy” được giới thiệu vào HĐQT thu hút sự quan tâm của các cổ đông. Thông tin trên thị trường cho thấy giới đầu tư tỏ ra khá tin tưởng đại gia Ninh Bình này sẽ đủ chất kích thích cho thành công LPB giai đoạn tới.

Cùng ngày 29/4/2021 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên với việc thông qua nội dung quan trọng về lộ trình tăng vốn điều lệ lên hơn 9.409 tỷ đồng vào cuối năm nay. ABBANK cũng thống nhất đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1.973 tỷ đồng. Trước giờ đại hội, chia sẻ với Tiền phong, Chủ tịch HĐQT ông Đào Mạnh Kháng bày tỏ chút lo lắng nhẹ không biết đề xuất tăng vốn điều lệ liệu có được cổ đông đồng thuận vì đây là “sự cần thiết sống còn” đối với ngân hàng. Tuy nhiên, rất may mắn khi kết thúc đại hội, các cổ đông đều thấu hiểu và nhất trí cao.

Dấu ấn kết quả kinh doanh năm 2020 của các NH kể đến có: Top đầu lợi nhuận là NHTMCP Vietcombank đạt giải quán quân với lãi trước thuế hơn 23.000 tỷ; NH Techcombank về nhì với lãi trước thuế hơn 18.000 tỷ; Còn NH VietinBank bất ngờ đạt con số ấn tượng hơn 16.000 tỷ; Về đích sát nữa là MBBank với mức lãi lớn hơn 13.000 tỷ… Các NH khác có mức lãi tốt như BIDV, SeaBank, Sacombank, TPBank, VPBank, OCB… Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, đây thời điểm các ngân hàng cần tăng mạnh vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel 2 của NHHN. Ngoài LienVietPostBank, ABBANK muốn tăng vốn như kể trên, còn có NH Vietcombank muốn tăng vốn điều lệ lên mức hơn 50.000 tỷ; Techcombank sau 9 năm không chia cổ tức đặt mục tiêu tăng vốn từ phần tích lũy lợi nhuận lên mức 35.000 tỷ; MBBank táo bạo hơn với đề xuất tăng vốn lên tới 38.000 tỷ; Đặc biệt nhất có VPBank muốn soán ngôi vốn điều lệ với mức lên tới 70.000 tỷ…

Dù ảnh hưởng của COVID 19 nhưng 2020 vẫn là năm đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với các NH khi lợi nhuận vượt cao so với kế hoạch, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp và quản trị rủi ro được tăng cường. Năm 2021 khởi đầu chiến lược 5 năm tới ( giai đoạn 2021-2025) đã đặt các nhà băng trong áp lực chuyển mình quyết liệt để bắt đầu tăng tốc cho cuộc đua mới.

Chạy đua CASA và Ngân hàng số

Tại Đại hội cổ đông năm nay, nợ xấu không trở thành vấn đề đáng quan ngại vì cập nhật tỉ lệ này tại các NH cho thấy đều ở mức thấp từ 1%- dưới 2% (và quan trọng, các khoản rủi ro này đều được trích lập dự phòng đầy đủ. Thậm chí cá biệt như Vietcombank, dù nợ xấu chỉ 0,6% nhưng đã thực hiện trích lập gấp vài lần). Vậy, điều gì khiến các Ngân hàng quan tâm nhất sau tăng vốn, chia cổ tức ? Ngoại trừ một vài nhà băng vẫn “lùm xùm” việc nhân sự hay cổ đông lớn ( như Exinbank tổ chức không thành dù có tới 95% tỷ lệ cổ đông có mặt), hầu hết, chủ đề trọng tâm được nhắc tới đó là tỷ lệ CASA ( tiền gửi không kỳ hạn) và Ngân hàng số .

Tại ĐHCĐ Vietcombank, Ban lãnh đạo ngân hàng bật mí dù tỉ lệ CASA không cao tuyệt đối nhưng ngân hàng đang đạt con số cao nhất về lượng tiền mặt đang nắm giữ trong hệ thống. Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank “bật mí”: đặt mục tiêu CASA cao cũng là một trong những “bí kíp” giúp ngân hàng có sự cạnh tranh lớn về lãi suất mà Vietcombank đã theo đuổi từ lâu. Về NH số, Vietcombank cũng tự hào thương vụ đầu tư cả chi phí và thời gian từ 2-3 năm nay đã bắt đầu cho nhà băng này trái ngọt với tỉ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ tăng từng ngày giúp ngân hàng ổn định nguồn thu và sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh số hóa.

Còn tại Techcombank, chiến lược không thu phí dịch vụ qua tài khoản đã giúp ngân hàng thành công khi “thu thập” được một lượng khá khách hàng rất tiềm năng, CASA của Techcombank năm 2020 tăng vọt tới 36% cao nhất hệ thống. “Chính tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao này đã giúp Techcombank có NIM lãi suất tốt (chênh lệch tiền gửi- tiền vay). Từ đó tạo nguồn thu lớn cho ngân hàng” - Tại ĐHCĐ, Chủ tịch Hồ Hùng Anh không ngần ngại chia sẻ. Với thế mạnh vốn về chiến lược, Techcombank tuyên bố mạnh tay chi cho số hoá. Ngoài tuyển dụng đội ngũ IT hùng hậu,( kết hợp với Vingroup, Masan trong việc thành lập One Moun Group - nền tảng thương mại điện tử), Techcombank nhấn mạnh sẽ đầu tư bài bản cho số hóa thông qua xây dựng hệ thống Big Data và xử lý dữ liệu một cách căn cốt, bài bản.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).