Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất?

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất?
Trước quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và áp lực tăng vốn của nhiều DN trong nước, một số Ngân hàng Thương mại đã tính đến việc nâng mặt bằng lãi suất tiền gửi VND và USD.

Dù có tiếng là khiêm tốn, bao giờ cũng đi sau các đàn anh, nhưng lần này Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) tỏ ra rất nhanh chân khi quyết định tăng lãi suất tiết kiệm đối với tiền gửi VND và USD ở tất cả các loại hình trả lãi cuối kỳ, trả lãi hàng tháng, lĩnh lãi 3 tháng/lần.

Theo đó, mức tăng lãi suất bình quân của VND từ 0,01 – 0,03%/tháng, USD từ 0,1 – 0,2%/năm. Đối với tiết kiệm VND lĩnh lãi cuối kỳ kỳ hạn 2 tháng: 0,61%/tháng; 3 tháng: 0,67%/tháng; 6 tháng: 0,70%/tháng; 12 tháng: 0,75%/tháng. Đối với USD: 3 tháng 2.80%/năm; 6 tháng: 3.20%/năm;12 tháng: 3.80%/năm.

Trong thời gian từ 4/7 - 4/8, Habubank còn đưa ra “chiêu” khuyến mại tặng khách hàng có khoản tiền gửi từ 20 triệu đồng với kỳ hạn 3 tháng trở lên 1 thẻ ATM First Vantage và 50.000 đồng vào tài khoản thẻ.

Tuy không tăng với tất cả đối tượng gửi nhưng NHTMCP các Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Việt Nam (VPBank) đã đưa ra một biện pháp “giữ chân” khách khá hấp dẫn: đó là áp dụng hình thức huy động “Tiết kiệm rút gốc linh hoạt”.

Theo ông Lê Đắc Sơn - Tổng giám đốc VPBank - khác với các hình thức tiết kiệm thông thường (khách hàng rút tiền trước hạn chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn thậm chí còn phải trả phí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước), sản phẩm này không những số tiền gốc rút mỗi lần của khách hàng được hưởng lãi suất theo thời gian gửi thực tế mà số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm vẫn gửi tại VPBank sẽ được hưởng LS của kỳ hạn đã quy định đối với sổ tiết kiệm đó.

Lãi suất của Tiết kiệm rút gốc linh hoạt sẽ là bao nhiêu? VP Bank thông báo: Gửi VND kỳ hạn 1 tháng là 5,88%/năm; LS tăng dần đến 36 tháng là 9,36%/năm; gửi USD 1 tháng là 2,08%/năm; 36 tháng là 4,18%/năm.

Bên cạnh đó, khách hàng có sổ tiết kiệm đáo hạn chuyển tiếp tại VPBank sẽ được cộng thêm 0,12%/năm so với mức lãi suất công bố tại thời điểm chuyển hạn.

Nhận định của giới chuyên môn, từ trước đến giờ, động thái tăng lãi suất của FED luôn luôn tạo “hiệu ứng dây chuyền” cho việc tăng lãi suất tiền gửi USD tại tất cả các ngân hàng trên thế giới.

Mặc dù để kiềm chế lạm phát, thời gian qua NHNN đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt (như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn) nhưng theo các chuyên gia, áp lực tăng giá đầu vào các mặt hàng sản xuất (do tăng giá xăng dầu) cùng lãi suất của FED tăng là lý do khiến thị trường lãi suất trong nước không thể làm ngơ.

Trước quyết định đi “tiên phong” tăng lãi suất của Habubank và VPBank tại thời điểm này, mức lãi suất của các NHTMCP có tăng theo? Dù khi trả lời, lãnh đạo một số NHTMCP (Techcom bank, Eximbank...) chưa khẳng định nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, thật ra các NHTM đều đang thận trọng làm phép tính chắc chắn cho bài toán lãi suất trong thời gian tới.

Đứng trước những việc chỉ số lạm phát đang “đe dọa” tăng cao, lãi suất mới của các NHTM có thu hút người dân gửi tiết kiệm  và nếu gửi thì nên chọn hình thức gửi  nào cho phù hợp?

Giá vàng biến động lên xuống thất thường không theo quy luật, đồng euro liên tục mất giá so với USD, đó là lý do khiến 6 tháng đầu năm qua, rất ít người chọn 2 hình thức gửi này. Lãi suất tiền gửi bằng VND luôn cao hơn 3 - 3,5 lần so với gửi bằng USD.

Vì thế thời gian qua số người gửi bằng nội tệ luôn cao hơn so với ngoại tệ. Và để an toàn trước những biến động không ngừng của giá cả, đa phần người dân lựa chọn hình thức gửi 6 tháng, tối đa đến 1 năm. 

Theo thống kê của các NHTM, đứng trước dự báo tỷ giá giữa VND và USD nhiều khả năng sẽ ổn định từ nay cho đến cuối năm, các DN có nhu cầu vay vốn đang thích chọn đồng USD. 

MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.