Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ông Vali Nasr, nhận định, việc Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria không chỉ gây sốc cho Washington và còn có thể là một động thái chiến lược thay đổi hoàn toàn thế trận ở Trung Đông, đặc biệt sẽ giúp chấm dứt nội chiến Syria.
Phát biểu trên kênh truyền hình NBC, đại tá quân đội Mỹ hồi hưu Jack Jacobs (hiện là chuyên gia phân tích quân sự) nói rằng, những động thái mới nhất của Nga tại Syria cho thấy Mỹ “chẳng biết làm gì”. Lâu nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama kiên trì mục tiêu gạt bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi quyền lực bằng cách đạt được một giải pháp chính trị. Trái lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin dồn dập can thiệp, tăng cường quân sự tới Syria trong tháng qua, đỉnh điểm là chiến dịch không kích hậu thuẫn đồng minh Syria mà nhà lãnh đạo Nga luôn nói đang chiến đấu quyết liệt chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). “Chúng ta vẫn tiếp tục không kích, nhưng chẳng đạt được tiến triển gì, thậm chí IS còn lớn mạnh hơn trước đây”, ông Jacobs nói. Theo ông Jacobs, Mỹ không còn đủ nguồn lực để tiếp tục bất cứ cuộc chiến nào ở Trung Đông.
Mở ra những khả năng mới
Politico nhận định, Nga đã thay đổi động lực của cuộc khủng hoảng Syria và mở ra những khả năng mới. Iran cũng đã tăng cường trợ giúp bảo vệ ông Assad và còn điều quân tới đánh IS tại Iraq. Nga đang tiến từng bước hậu thuẫn ông Assad, đồng thời thiết lập một trục chống IS gồm Iran, Iraq và Syria. Nga đang thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nền chính trị khu vực. Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga cũng không thách thức trực tiếp Thổ Nhĩ Kỳ và các nước quân chủ Vùng Vịnh ủng hộ phe đối lập chống ông Assad. Theo Politico, thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến các nước quân chủ Ảrập bất mãn với Washington, thấy rằng cần phải xây dựng quan hệ với Mátxcơva. Không giống Mỹ, Nga có khả năng vừa khăng khít với Iran, đồng thời củng cố quan hệ với các nước quân chủ Vùng Vịnh.
Mỹ đang tỏ ra bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong khi Nga được coi là yếu tố trung tâm có thể kết thúc cuộc khủng hoảng Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nối lại các nỗ lực nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho Syria. Tuy nhiên, chính Nga chứ không phải Mỹ đang tạo ra tình thế trên thực địa thúc đẩy các biện pháp ngoại giao, Politico nhận định. Qua 4 năm nội chiến ở Syria, sự lừng chừng của Mỹ khiến nước này có ảnh hưởng rất hạn chế, trong khi Nga rất quyết đoán trong việc cung cấp vũ khí cho quân đội của ông Assad. Vì vậy, chìa khóa đạt được một giải pháp cho cuộc chiến tại Syria chính là Mátxcơva, Politico kết luận.
Mátxcơva đang ở vị thế tốt hơn để thúc đẩy cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước quân chủ Vùng Vịnh đạt được thỏa thuận. Ngoại trưởng Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ảrập Xêút Adel Jubair đã gặp nhau tháng trước tại Qatar để thảo luận về tình hình Syria. Nga đang theo đuổi các cuộc thương lượng trực tiếp hơn. Danh sách quan chức cấp cao tới thăm Mátxcơva gần đây rất dài: Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Tư lệnh Vệ binh cách mạng Iran Qasim Suleimani, Thái tử Ảrập Xêút Muhammad Bin Nayef, Thái tử Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất Muhammad Bin Zayed, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan…
Theo Politico, một mặt, Tổng thống Putin tăng cường bảo vệ ông Assad, mặt khác Nga đang tích cực đối thoại, thương lượng với các nhân tố quan trọng nhất trong khu vực. Nỗ lực ngoại giao đã đạt được những tác động rõ ràng. Mới tuần trước, sau khi thăm Mátxcơva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thay đổi quan điểm và tuyên bố đồng ý rằng, ông Assad là một phần giải pháp chính trị nhằm chấm dứt nội chiến tại Syria.
RT ngày 4/10 trích tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, với hơn 50 máy bay quân sự hiện có ở Syria, không quân Nga đã thực hiện 60 vụ không kích trong vòng ba ngày, tiêu diệt 50 mục tiêu khủng bố. Các máy bay Nga còn thả bom thông minh KAB-500 xuống một trại IS gần thành phố Maarrat al-Numan, phá hủy công sự, đạn dược, nhiên liệu và 7 đơn vị trang thiết bị, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo.