Hãng Tass ngày 4/7 dẫn đại diện công ty Uralvagonzavod cho biết, xe tăng Armata có thiết kế hoàn toàn mới và độc đáo, được áp dụng những nguyên tắc chế tạo chưa từng có từ trước tới nay, trong đó có việc sử dụng tháp pháo đặc điều khiển từ xa.
“Hệ thống giáp bảo vệ các lớp của xe tăng T-14 Armata đủ khả năng chống chịu mọi loại đạn chống tăng hiện tại. Về cơ bản, xe tăng Armata là một khối đồng nhất giữa các hệ thống bảo vệ chủ động, giáp phản ứng nổ kết hợp với mô-đun chiến đấu điều khiển từ xa, uy lực”, đại diện Công ty Uralvagonzavod cho biết.
Tuy vậy, đại diện công ty Uralvagonzavod thừa nhận, T-14 Armata chưa được thử lửa ở bất kỳ chiến trường nào, nên tăng thế hệ mới của Nga cần thời gian để chứng minh khả năng “miễn nhiễm” trước các loại đạn chống tăng của phương Tây.
Xe tăng T-14 Armata đã được giới thiệu chính thức tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng phát xít 9/5/2015 tại Quảng trường Đỏ.
Điểm nổi bật của xe tăng Armata là kết cấu dạng mô-đun, tháp pháo đặc và điều khiển hoàn toàn từ xa, kíp lái ngồi trong khoang bọc thép ở thân xe giúp tăng khả năng sống sót khi xe trúng đạn, kể cả khi khoang đạn phát nổ.
Theo các chuyên gia quân sự thế giới, xe tăng T-14 Armata sẽ định hình các xu hướng chính trong ngành chế tạo xe tăng thế giới trong 20-30 năm tới.
Bên cạnh đó, việc Nga giới thiệu xe tăng Armata đã buộc Mỹ và phương Tây phải xem xét lại toàn bộ chương trình nâng cấp và phát triển xe tăng mới.
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ và các quốc gia NATO chỉ tập trung vào nâng cấp các nền tảng xe tăng-thiết giáp hiện có, mà không phát triển các dòng xe tăng thế hệ mới.