Nga rút khỏi Hiệp ước quân sự CFE, lãnh đạo NATO nói gì?

Nga rút khỏi Hiệp ước quân sự CFE, lãnh đạo NATO nói gì?
TPO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tỏ rõ sự thất vọng trước quyết định của Nga về việc dừng mọi hoạt động tham gia vào Nhóm tham vấn về Hiệp ước vũ khí thông thường ở châu Âu (CFE).

Tuyên bố tại một cuộc họp báo diễn ra hôm nay, ngày 11/3 tại ở Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cho biết, NATO thất vọng trước động thái của Moscow liên quan tới CFE.

Tuy vậy, người đứng đầu NATO cũng hy vọng Nga sớm nối lại hoạt động trên.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, Nga đang tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai miền đông Ukraine, đồng thời ông kêu gọi Moscow tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn bằng cách rút hoàn toàn khỏi cuộc xung đột.

Trước câu hỏi của một nhà ngoại giao Mỹ nói rằng, xe tăng của Nga đã vượt biên giới Ukraine trong những ngày gần đây, người đứng đầu NATO từ chối bình luận, nhưng khẳng định: “Chúng tôi ... vẫn thấy sự hiện diện của Nga ở miền Đông Ukraine và hỗ trợ mạnh mẽ cho lực lượng ly khai tại đây”.

Trước đó, vào hôm qua 10/3, Nga chính thức thông báo ngừng tham gia các phiên họp của Nhóm CFE.

Theo thông báo của ông Anton Mazur,Trưởng phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí: “Liên bang Nga đã quyết định đình chỉ việc tham dự các cuộc họp của Nhóm tham vấn chung từ ngày 11/3/2015, qua đó hoàn tất việc ngừng tham gia hiệp ước CFE đã được Nga thông báo hồi năm 2007”. 

Tuy nhiên, Moscow  khẳng định vẫn để ngỏ khả năng “tiếp tục đối thoại về kiểm soát vũ khí thông thường tại châu Âu nếu các đối tác của chúng tôi trở nên sẵn sàng”. 

Hiệp ước vũ khí thông thường ở châu Âu được ký giữa 16 thành viên NATO và 6 thành viên khối Vacsava năm 1990, khi quân đội Liên Xô và NATO ở trạng thái đối mặt tại Trung Âu.

Văn bản đặt ra giới hạn cân bằng cho hai phía trong việc triển khai 5 loại vũ khí, phương tiện chiến tranh thông thường gồm xe tăng, thiết giáp vũ trang, pháo, trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu. 

Hiệp ước được chỉnh sửa và ký lại năm 1999; tuy nhiên các thành viên NATO lại từ chối thông qua, viện lý do buộc Nga phải rút quân khỏi 2 nước thuộc Liên Xô trước đây là Moldova và Gruzia trước đã.

Năm 2007, Nga thông qua sắc lệnh hoãn tham gia hiệp ước, vì NATO có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, từ chối ký văn bản sửa đổi, gây ảnh hưởng đến an ninh của Liên bang Nga.

Theo Theo Tass
MỚI - NÓNG