Theo Armyrecognition, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang phát triển một xe tăng bắn laser mới có khả năng "chọc mù" tất cả các thiết bị quang điện tử trong chớp mắt.
Đây được xem là một kế hoạch của Nga nhằm tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí laser từ thời Liên Xô. Trước đó vào giữa những năm 1970, Liên Xô đã bắt đầu phát triển một hệ thống vũ khí bắn chùm laser có tên gọi là 1K17 “Compression”.
Hệ thống này sử dụng khung gầm 2S19 Msta-S với 12 ống phóng laser được trang bị trên tháp vũ khí. Hệ thống này được thiết kế nhằm vô hiệu hóa thiết bị quang-điện tử có trên các tên lửa cũng như các phương tiện hoạt động mặt đất và trên không khác của kẻ địch.
Về cơ chế hoạt động, 1K17 sử dụng chùm tia laser có cường độ cao để phá hủy thiết bị quang điện tử của các phương tiện địch nhờ vào khả năng tập trung ánh sáng qua 30 kg chất laser hồng ngọc nhân tạo. Đây cũng là chất liệu laser rất đắt đỏ.
Hệ thống quang học tạo ra chùm laser chứa một lớp bạc tráng hình xoắn ốc đặt ở phía cuối giúp cho việc khuếch đại chùm và tăng khả năng hội tụ chùm tia laser. Trong khi đó năng lượng cấp cho tia laser xuất phát từ một máy phát điện và một hệ thống pin phụ. Các ống kính này có khả năng hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau nhờ được các ống kim loại bọc xung quanh. Bên cạnh đó 1K17 còn được trang bị một súng máy NSV cỡ 12.7 mm để bảo vệ khỏi cuộc tấn công bởi bộ binh và không quân.
Từ giữa những năm 1970, Liên Xô đã rất tích cực theo đuổi phát triển các vũ khí laser dùng trên mặt đất, trên biển, trên không và cả ngoài vũ trụ để có thể đánh chặn các thiết bị quang học, tên lửa, vệ tinh do thám và các hệ thống công nghệ cao khác của Mỹ và châu Âu.
Vào năm 1982, một hệ thống nguyên mẫu đầu tiên sử dụng vũ khí laser đã được trang bị cho một phương tiện chiến đấu trên mặt đất dựa trên khung gầm xe trinh sát. Tới năm 1992, các nguyên mẫu này đã được xuất ra khỏi nhà máy. Nhưng vì khủng hoảng kinh tế do sự sụp đổ của Liên xô nên chương trình phát triển vũ khí laser này đã bị hủy bỏ.
Xe tải gắn vũ khí laser của Mỹ.
Cho đến nay chương trình này đã được Nga khởi động lại. Động thái đó của Nga diễn ra trong bối cảnh, vào tháng 12/2014, Hải quân Mỹ tuyên bố đã triển khai và bắn một loại vũ khí laser gắn trên một tàu chiến ở Vịnh Ba Tư. Trong suốt các đợt bắn thử nghiệm, vũ khí laser đã đánh trúng và phá hủy các mục tiêu được gắn trên một chiếc thuyền nhỏ, hủy diệt một chiếc máy bay không người lái dài 1,83 mét đang bay trên trời và còn phá hủy các mục tiêu di động khác.
Không những thế, Công ty quốc phòng Mỹ Boeing còn phát triển cả một loại vũ khí laser gắn trên xe tải có tên là HEL TD. Hệ thống này được thiết kế nhằm tăng khả năng đánh chặn các tên lửa, đạn pháo, đạn súng cối và các mối đe dọa từ các phương tiện bay không người lái.