Nga doạ sẽ ném bom trúng tàu Anh nếu tiếp tục vi phạm vùng biển

0:00 / 0:00
0:00
Tàu HMS Defender của hải quân Anh. (Ảnh: Reuters)
Tàu HMS Defender của hải quân Anh. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 24/6, Nga cảnh báo Anh rằng sẽ thả bom vào tàu hải quân Anh trên Biển Đen nếu tiếp tục có hành động khiêu khích ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea.

Nga triệu đại sứ Anh tại Mátxcơva đến để phản đối trực tiếp sau khi tàu khu trục của Anh có hành động mà Kremlin nói là vi phạm chủ quyền của Nga, nhưng Anh khẳng định đó là vùng biển của Ukraine.

Anh nói Nga tường thuật vụ việc không chính xác. Không có phát súng cảnh cáo nào và không qua bom nào được thả xuống đường di chuyển của tàu khu trục Defender.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc London “nói dối không biết ngượng”.

“Chúng tôi có thể kêu gọi ý thức chung, yêu cầu tôn trọng luật quốc tế, nhưng nếu không có tác dụng, chúng tôi có thể thả bom”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với báo chí Nga.

Ông Ryabkov tuyên bố sau này bom sẽ được thả “không phải trên đường đi của tàu, mà sẽ đúng mục tiêu”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng tàu chiến của Anh khi đó đang đi từ cảng Odessa của Ukraine tới cảng Batumi của Georgia đã tuân thủ luật pháp và hoạt động trong vùng biển quốc tế.

“Có các vùng biển của Ukraine và việc sử dụng những vùng biển đó để đi từ A đến B là việc hoàn toàn đúng đắn”, ông Johnson nói. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cáo buộc các phi công Nga có hành động gây bất an toàn khi hạ thấp chỉ cách con tàu 152m.

“Hải quân hoàng gia sẽ luôn tuân thủ luật quốc tế và sẽ không chấp nhận sự can thiệp trái luật vào đi lại vô hại”, ông Wallace nói.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine từ năm 2014 và coi vùng biển xung quanh bán đảo này là thuộc chủ quyền của Nga. Nhưng các nước phương Tây vẫn coi Crimea là một phần của Ukraine và bác bỏ yêu sách của Nga đối với vùng biển xung quanh.

Biển Đen, nơi Nga dùng để thể hiện sức mạnh ra Địa Trung Hải, luôn là điểm nóng giữa Nga với các đối thủ cạnh tranh như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh và Mỹ trong nhiều thế kỷ qua.

Theo luật quốc tế, các tàu có quyền qua lại vô hại trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác với điều kiện không đe doạ an ninh của nước đó.

Quan hệ giữa London và Mátxcơva cũng băng giá từ năm 2018, sau khi Anh cáo buộc Nga đầu độc điệp viên hai mang Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok.

Nga nói rằng con tàu Anh lần này đã tiến sâu 3km vào gần Cape Fiolent, một địa danh ở bờ biển phía nam Crimea gần cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ của hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.