Ông A. Grigoriev đưa ra quan điểm hoài nghi về hiệu quả các dự án vũ khí la-de Mỹ đang thực hiện khi chúng quảng cáo về hiệu quả tác chiến cao như một dòng vũ khí của tương lai.
“Các thử nghiệm vũ khí la-de đã được thực hiện trông có vẻ rất ấn tượng, nhưng thực tế là chúng được thực hiện trong điều kiện có kiểm soát. Tuy nhiên, ở điều kiện tác chiến thực tế, tác dụng của vũ khí la-de sẽ bị vô hiệu hóa bằng khói và các bề mặt nhẵn có khả năng phản chiếu”, ông A. Grigoriev nhận định. Đây là khó khăn kỹ thuật chưa thể vượt qua ở thời điểm hiện tại.
Trong vài năm trở lại đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo đuổi nhiều chương trình phát triển vũ khí la-de. Năm 2013, Quân đội Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hệ thống vũ khí la-de HEL MD (High Energy Laser Mobile Demonstrator). Trong các bài thử nghiệm, HEL MD đã chiếu xạ và tiêu diệt thành công 90 quả đạn các loại và một vài thiết bị bay không người lái.
Tới năm 2014, hãng Boeing và Lục quân Mỹ phối hợp thử nghiệm HEL MD ở môi trường tác chiến ven bờ biển. Mặc dù thời tiết xấu, gió mạnh và có sương mù, HEL MD với chùm la-de công suất 10Mw vẫn tiêu diệt thành công nhiều mục tiêu thử nghiệm ở căn cứ không quân Eglin, bang Florida.
Mới đây nhất là hồi tháng 3/2015, hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin đã thực nghiệm pháo la-de đốt cháy mui xe tải ở khoảng cách 2km. Vũ khí la-de nói trên có công suất 30Kw và sử dụng công nghệ hội tụ nhiều chùm la-de để tăng năng lượng công phá Advanced Test High Energy Asset (Athena).
Một điểm đáng chú ý là các thử nghiệm trên đều được thực hiện trong môi trường tiêu chuẩn với điều kiện thời tiết hoàn toàn thuận lợi.
Trong năm 2016, Lầu Năm góc đã duyệt chi 278 triệu USD cho các chương trình phát triển vũ khí la-de mới với hy vọng nguyên mẫu vũ khí la-de mới có thể được ứng dụng vào năm 2021.