“Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất"

TGĐ BSR trao quà hỗ trợ cho nhân dân xã Bình Trị
TGĐ BSR trao quà hỗ trợ cho nhân dân xã Bình Trị
Câu nói đó đã đi vào biên niên sử của ngành Dầu khí Việt Nam, như một lời khẳng định, quyết tâm của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông gửi thư cho Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7, khóa XI (tháng 6/2005).

Trong thư có đoạn viết: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng NMLD như nhận định ban đầu, để góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trước đó, ngày 9/11/1994, khi còn là Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã  ra Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng NMLD số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó chính thức chọn Dung Quất (Quảng Ngãi) làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam… Đúng là việc đặt NMLD tại Dung Quất có không ít các ý kiến không đồng tình, mà đa số là xuất phát từ việc nhìn nhà máy theo hiệu quả kinh tế đơn thuần. Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn lấy Dung Quất là nhân tố thúc đẩy kinh tế dải đất miền Trung phát triển bởi theo thư nguyên Thủ tướng, ông cho rằng, không nên quá tập trung kinh tế ở hai đầu đất nước, mà phải chuyển dần sang miền Trung.

Lịch sử đã dần hé mở những giá trị của quyết định này. Vùng đất Dung Quất đầy cát trắng, cây bụi; dân quanh năm sống bám vào rừng, vào biển, kinh tế nghèo nhất nước nay đã khoắc trên mình một màu áo mới.

“Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất" ảnh 1

Công ty BSR hỗ trợ nhân dân Quảng Ngãi

Từ khi đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất còn trở thành “hạt nhân” thu hút các dự án lớn đến với Quảng Ngãi, tác động tích cực trong việc hình thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Sau 7 năm vận hành sản xuất và kinh doanh, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý NMLD Dung Quất đã đóng góp vào NSNN trên 6,5 tỉ USD. Tỷ trọng thu ngân sách hằng năm từ BSR chiếm khoảng 80-90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.

Không những đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm, BSR đang dần thay đổi cuộc sống hàng triệu người dân vùng đất nghèo Bình Sơn (Quảng Ngãi).Từ vùng đất thuần nông, người dân dần chuyển sang buôn bán, dịch vụ, trở thành công nhân kỹ thuật trong nhà máy. Hàng ngàn, vạn số phận đổi thay cùng sự phát triển của BSR.

NMLD Dung Quất có khu vực Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển vốn là ngư trường truyền thống của người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Khi nhà máy đi vào hoạt động, mặc dù đã được tuyên truyền và cảnh báo nhưng nguồn cá tôm quá phong phú, ngư dân vẫn đi vào vào hành lang an toàn Khu cảng xuất sản phẩm và đê chắn sóng để đánh bắt gây mất an toàn, nguy cơ cháy nổ cao. Trăn trở giữa việc vừa đảm bảo kế sinh nhai cho người dân, vừa đảm bảo hoạt động nhà máy được an toàn, năm 2016 Công ty BSR hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp hoặc bổ sung ngư cụ đánh bắt xa bờ, tránh khu vực cảng.

Với dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy trong năm 2017, 341 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của xã Bình Trị (xã có các phân xưởng chính của NMLD Dung Quất đóng chân) dời sang khu ở mới để nhường đất cho dự án. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, từng trường học, trạm y tế khang trang sẽ được BSR tài trợ xây dựng. 

Theo ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Trị, NMLD Dung Quất hoạt động đã góp phần giải quyết hàng chục việc làm cho nhân dân trong xã, trong đó có nhiều kỹ sư có tay nghề cao. Nhiều hộ dân chuyển sang làm dịch vụ ăn uống, buôn bán tạp hóa. Ngoài ra, các nhà thầu phụ của Nhà máy cũng sử dụng phần lớn lao động trong xã và các xã lân cận. “BSR hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi của địa phương như trường học, trạm y tế… giúp xã đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật. Dự kiến quý 3 năm 2017, xã Bình Trị sẽ về đích, đạt xã chuẩn nông thôn mới”, ông Thính cho biết.

“Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất" ảnh 2

Mang quà Tết cho người nghèo Bình Sơn

Ngoài ra, đầu năm 2017, BSR tài trợ 5 tỷ đồng cho phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới” và “ Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo – Không có ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020. Trước đó, BSR đã hỗ trợ hơn 1,75 tỷ đồng cho nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại do lũ lụt gây ra và vui xuân đón Tết Đinh Dậu 2017.

“Mục tiêu cao nhất của BSR là hỗ trợ tối đa trong khả năng có thể đối với bà con nhân dân đang cần sự giúp đỡ nhằm cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi cũng tập trung đào tạo chuyển đổi họ từ những người nông dân sang làm công nhân kỹ thuật cao, được đào tạo ở các trường đào tạo nghề dầu khí trong và ngoài nước”, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho biết.

NMLD Dung Quất không những góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở Bình Sơn mà đã và đang là “cái nôi” cho những số phận thiếu may mắn, những gia đình chính sách có cơ hội đổi thay cuộc sống. Chúng tôi tìm đến phòng Laboratory (Thí nghiệm) của Phòng Quản lý Chất lượng (QLCL) để tìm gặp chị Phạm Thị Thêm – một tấm gương lao động có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật quá trình phân tích, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm dầu.

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bác ruột là liệt sĩ. Khi tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bố chị nhiều lần bị kẻ thù giam cầm trong các nhà tù khắc nghiệt ở Côn Đảo. Xuất ngũ, bệnh tật, vết thương chiến tranh dày vò khiến ông mất sớm, gia đình chị Thêm khó khăn chồng chất. Vượt lên hoàn cảnh, chị Thêm học tập, rèn luyện và trở thành kỹ sư của NMLD. Chị được tuyển dụng vào Nhà máy với điểm thi đầu vào khá cao. Chị cũng có “điểm cộng” vì là con liệt sĩ và con em hộ khẩu Quảng Ngãi. Đây cũng là chính sách của Công ty BSR ưu tiên tuyển dụng công nhân, kỹ sư trong tỉnh và các tỉnh lân cận để giúp phát triển kinh tế, xã hội mảnh đất miền Trung.

Vốn sinh ra ở Bình Châu (Bình Sơn), bố mẹ mất sớm vì tai nạn giao thông, anh Nguyễn Văn Thuận sống cùng ông bà. Ông bà già yếu đành gửi anh vào trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ngãi. Với sự cố gắng hết mình, suốt 12 năm học, anh Thuận đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi đậu vào ngành lọc hóa dầu của Trường Đại học Quy Nhơn. Trên giảng đường Đại học, anh vừa nỗ lực học tập, vừa tích cực tham gia các hoạt động của sinh viên nên dù đang ngồi trên ghế nhà trường, anh Thuận đã được kết nạp Đảng và tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Đúng như những gì mong ước, anh Thuận thi đậu vào NMLD và hiện nay là kỹ sư Ban Vận hành sản xuất BSR. Theo thống kê, trong hơn 1.500 nhân lực của BSR có tới 70% là người dân Quảng Ngãi. Những đóng góp của Công ty cho địa phương không chỉ dừng lại cho hoạt động an sinh xã hội với kinh phí trên 250 tỷ đồng, BSR còn giải quyết công ăn việc làm, đóng góp ngân sách tỉnh, là vệ tinh thu hút các dự án lớn, phát triển mô hình đô thị - công nghiệp.

Đầu năm nay, tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép đầu tư cho dự án thép Hòa Phát Dung Quất. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 52.000 tỷ đồng, dự kiến mang lại hàng chục nghìn việc làm giai đoạn xây dựng và hàng nghìn việc làm giai đoạn sản xuất cho nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Hay như các nhà máy may, nhà máy giấy, dăm gỗ đóng trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn gia đình phồn vinh. Đó là kết quả của sự lựa chọn đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây hơn 20 năm. Một NMLD không thể giải quyết nhu cầu việc làm cho nhân dân trong vùng, nhưng là cục nam châm để nơi đây hình thành trung tâm lọc hóa dầu, công nghiệp nặng số 1 miền Trung – mảnh đất “rũ bùn đứng dạy sáng lòa”.

MỚI - NÓNG