Ngân hàng dè dặt bán
Sáng 26/11, giá VND/USD giao dịch tại các NH có phần chững lại sau khi điều chỉnh tăng trong 2 ngày qua. Tại Vietcombank, giá USD giao dịch ở mức 21.390 - 21.400 đồng/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với ngày 25/11. Tại VietinBank, ACB cũng giữ nguyên chiều mua - bán, riêng BIDV tăng 10 đồng chiều mua vào. Giao dịch USD tại các NH này phổ biến ở mức 21.360 đồng - 21.400 đồng/USD (mua vào - bán ra). Đến thời điểm này, giá bán USD tại các NH đồng loạt ở mức 21.400 đồng USD. Đây cũng là mức giá Sở giao dịch NHNN đang niêm yết. Với mức giá trên cũng khá sát với giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội. Hiện giá USD mua bán ở ngoài thị trường này ở mức 21.430 đồng/USD - 21.450 đồng/USD.
Nhà điều hành cần bám sát từng nhịp đập của thị trường để có thể chủ động ứng xử với tỷ giá. Nếu để đến khi thị trường “tức bờ” lên tiếng, NHNN mới có những điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của dân chúng vào điều hành chính sách của NHNN và có thể gây cú sốc nhẹ đối với thị trường này.
Một chuyên gia nhận định
Việc giá USD rục rịch tăng sau một vài ngày điều chỉnh giảm sau tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá của NHNN được một số chuyên gia NH nhận định là cung - cầu có dấu hiệu lệch pha. Và người trong cuộc là các NH cũng chia sẻ chỉ cần nhìn giá USD chạy là biết cung - cầu trên thị trường ngoại tệ ra sao. Thực tế cung - cầu ngoại tệ trên thị trường thời điểm này thế nào.
Theo phân tích của một chuyên gia NH, cầu ngoại tệ của DN dù không tăng mạnh như cùng thời điểm những năm trước nhưng tăng gấp đôi ba lần so với những tháng đầu năm. Trong khi việc mua USD của các NH từ các DN vào thời điểm này rất khó. Vì thực tế DN nhập khẩu đang cần thêm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa cho các đơn hàng cuối năm, không ít DN này mua USD với giá cao tại các NH sau khi bị thu thêm một số loại phí như kiểm đếm, hồ sơ…
Trong khi các DN xuất khẩu cũng không muốn bán nhiều USD cho các NH. Bởi các DN này vẫn kỳ vọng tỷ giá tăng. Lãnh đạo một NH thừa nhận, thời điểm này rất khó để mua ngoại tệ từ các DN. Trong khi cầu ngoại tệ vẫn tăng nên nhà băng này cho vay khá dè dặt để đảm bảo không bị mất cân đối trạng thái. Vì hiện tại, NH vẫn chưa được mua ngoại tệ từ NHNN. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều NH trong thời điểm này.
Củng cố niềm tin tiền đồng
Xét từ phía thị trường ngoại tệ cụ thể từ các NH rõ ràng cung ngoại tệ đang thiếu hụt. Nhưng nhìn tổng thể về các chỉ số vĩ mô như cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ, nguồn kiều hối vẫn tăng mạnh. Xét ở góc độ vĩ mô thì cung ngoại tệ khá dồi dào và NHNN hoàn toàn có thể giữ được tỷ giá ổn định. Trong thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tỷ giá cũng linh hoạt hơn. 2 năm gần đây NHNN đưa ra thông điệp chính sách tỷ giá ngay từ đầu năm sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2%. Và thực tế là đến thời điểm này, chưa lúc nào NHNN sử dụng hết room tỷ giá.
Có ý kiến cho rằng, NHNN vẫn cứng nhắc trong câu chuyện tỷ giá cố neo tỷ giá để đồng VND cao hơn so với USD, trong khi đồng USD đang lên giá so với nhiều đồng ngoại tệ khác. Điều này gây bất lợi cho các hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến đồng tình với sự thận trọng trong điều hành tỷ giá của NHNN. Bởi, không có một chính sách nào được đánh giá là hoàn hảo lý tưởng cho các thành phần kinh tế.
Vị này phân tích: Sau khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất huy động đồng VND dù ít nhưng đã có xu hướng chuyển gửi bằng đồng VND sang USD với kỳ vọng tỷ giá tăng. Mà xét trong bối cảnh này gửi VND vẫn có lợi hơn USD. Giả sử nếu điều chỉnh tỷ giá thì sự dịch chuyển dòng tiền sẽ diễn ra mạnh hơn. Rồi vấn đề nợ công đang ở mức cao… Và như vậy, chắc chắn ảnh hưởng đến giá trị đồng VND. Trong khi mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tiếp tục kiểm soát ổn định lạm phát, giữ giá trị đồng tiền và hỗ trợ DN, nền kinh tế tăng trưởng.
“Nhưng thời điểm này, NHNN phải lựa chọn mục tiêu quan trọng, có lợi cho nền kinh tế nhất là củng cố lòng tin vào giá trị đồng VND. Vì lẽ đó việc giữ ổn định tỷ giá là lựa chọn tốt cho nhà điều hành”, vị này bình luận.