“Lĩnh án” nặng nhất trong đợt này là ngân hàng UBS của Thụy Sỹ, với số tiền phạt 800 triệu USD - theo tuyên bố do Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau của Mỹ (CFTC), Cơ quan Giám sát tài chính Anh (FCA) và Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (SFMSA) đưa ra.
Bị phạt nặng thứ nhì là ngân hàng Citigroup của Mỹ với số tiền 668 triệu USD, tiếp đó là JPMorgan Chase của Mỹ bị phạt 662 triệu USD, hai ngân hàng Royal Bank of Scotland và HSBC của Anh bị phạt số tiền tương ứng lần lượt là 634 triệu USD và 618 triệu USD.
Đây là những án phạt đầu tiên được đưa ra kể từ khi cơ quan chức năng nhiều quốc gia bắt đầu vào cuộc điều tra các cáo buộc cho rằng các ngân hàng lớn này thông đồng với đối tác tại các công ty khác thao túng tỷ giá hối đoái tiêu chuẩn (benchmarks). Cuộc điều tra đã được tiến hành từ năm ngoái và xác định hành vi trái pháp luật của các nhà băng nói trên.
“Không biết bao nhiêu cá nhân và công ty khắp thế giới phụ thuộc vào các tỷ giá này để thực hiện các hợp đồng tài chính. Thị trường chỉ có thể vận hành nếu mọi người tin tưởng rằng quy trình thiết lập các tỷ giá tiêu chuẩn là công bằng”, ông Aitan Goelman, Giám đốc thực thi luật pháp của CFTC, nói trong tuyên bố.
Thị trường ngoại hối toàn cầu có giá trị giao dịch lên tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi ngày, nên hành vi thao túng tỷ giá tiêu chuẩn của các ngân hàng trên có thể có ảnh hưởng rất lớn.
Ngoài án phạt đã được tuyên, có khả năng các nhà băng này có thể sẽ phải đối mặt thêm với án phạt từ các cơ quan chức năng khác như Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ, và Văn phòng Giám sát các hành vi gian lận nghiêm trọng của Anh.
Cũng trong ngày 12/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã sa thải người đứng đầu bộ phận giao dịch ngoại hối, ông Martin Mallet, người đã làm cho BoE 30 năm. Một báo cáo của nhà chức trách cho rằng, ông Mallet đã không báo cáo lên cấp trên về việc các nhà giao dịch tiền tệ chia sẻ thông tin về lệnh giao dịch của khách hàng. Việc không báo cáo này không sai nhưng có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi phạm luật.
Ngoài ra, các nhà điều tra cũng đang xác định xem giới giao dịch có dùng thông tin mật để đặt lệnh mua bán tiền tệ, và liệu các công ty có áp mức hoa hồng quá đáng đối với khách hàng hay không. Kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu vào năm ngoái, hơn 30 nhà giao dịch tiền tệ tại các ngân hàng đã bị sa thải, đình chỉ, cho nghỉ tạm thời, hoặc tự nghỉ việc.
Án phạt nhằm vào các ngân hàng lớn nói trên được đưa ra hơn 2 năm sau khi những ngân hàng Anh và Mỹ đầu tiên lĩnh án phạt vì thao túng lãi suất liên ngân hàng trên thị trường London, hay còn gọi là lãi suất Libor. Đây là lãi suất tiêu chuẩn được sử dụng cho các loại chứng khoán trị giá 300 nghìn tỷ USD trên toàn cầu, bao gồm các hợp đồng hoán đổi và cho vay thế chấp nhà.
Đến nay, hàng chục ngân hàng và công ty đã bị phạt tổng số tiền ít nhất 6,5 tỷ USD vì thao túng lãi suất Libor và các dạng phái sinh của lãi suất này.
Cuộc điều tra về thao túng lãi suất Libor đến nay vẫn chưa kết thúc. Cuộc điều tra này đã mở đầu cho một loạt cuộc điều tra lớn nhằm vào các loại giá và tỷ giá tiêu chuẩn khác sử dụng cho các thị trường nhiều loại hàng hóa từ dầu thô tới kim loại quý.