Theo EC, các hãng này đã liên kết với nhau để thao túng giá, hợp đồng và sản lượng sản xuất giai đoạn 2003-2005. Infineon bị phạt cao nhất với 82,8 triệu euro, Samsung và Philips nộp lần lượt 35,1 triệu euro và 20,2 triệu euro.
Infineon (Đức) và Philips (Hà Lan) đã phủ nhận cáo buộc này và cho biết sẽ kháng án. Trong khi đó, Samsung chưa lên tiếng về sự việc trên. Renesas, liên doanh giữa Hitachi và Mitsubishi, không bị phạt do đã thông báo với giới chức về hoạt động của ba đại gia trên, EC cho biết.
Ba công ty này đã "bàn bạc, trao đổi các thông tin thương mại nhạy cảm về giá, khách hàng, hợp đồng, số lượng sản xuất và các hoạt động dự tính trên thị trường", Joaquin Almunia - Phó chủ tịch EC phụ trách Giá cả cạnh tranh cho biết. Ông kết luận các công ty "đã chọn cách thông đồng với nhau để gây hại người tiêu dùng và sẽ bị trừng phạt".
Infineon cho biết các cáo buộc này là "vô lý" và sẽ "xem xét lại kỹ lưỡng quyết định này để kháng cáo lên Tòa sơ thẩm Liên minh châu Âu tại Luxembourg".
Philips cũng cùng quan điểm với Infineon. "Chúng tôi tin rằng các cáo buộc về hoạt động mảng chip của Philips là vô lý. Vì vậy, Philips sẽ lên kế hoạch kháng án", công ty cho biết trong một thông báo. Hãng đã bán mảng chip của mình - Philips Semiconductors (hiện tại là NXP Semiconductors) năm 2006 cho một nhóm nhà đầu tư cổ phần tư nhân.
Tháng 6 năm nay, Intel cũng kháng cáo án phạt 1,1 tỷ USD vì vi phạm luật cạnh tranh của EC, nhưng đã thất bại. Năm 2009, EC phát hiện trong thời gian 2002-2007, Intel đã giảm giá bộ vi xử lý cho máy tính để bàn Dell, Hewlett-Packard, NEC và Lenovo để các hãng này dùng sản phẩm của Intel thay vì đối thủ Advanced Micro Devices (AMD).
Theo Hà Thu