Xăng “hạ hỏa”, giá nhiều mặt hàng vẫn “bốc lửa”

 Xăng “hạ hỏa”, giá nhiều mặt hàng vẫn “bốc lửa”
TP- Bất chấp giá xăng dầu giảm mạnh, hầu hết các mặt hàng trên thị trường TPHCM vẫn tiếp tục “bốc lửa”, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Ngay trong chiều 15/11 khi giá xăng giảm thêm 1.000 đồng, xuống còn 13.000 đồng/lít nhưng giá rau muống tại chợ trung tâm quận 4 lại “nhảy lên” 10.000 đồng/kg. “Không thể tưởng tượng nổi!”- chị Phượng Thảo thốt lên khi cầm bó rau trên tay.

Theo chị Phượng Thảo, tuần trước, giá rau muống chỉ ở mức 4.000 -5.000 đồng/kg. Theo giải thích của người bán, giá rau từ các đầu mối hiện tăng rất cao so với trước, vì vậy người bán lẻ không thể không tăng giá tương ứng.

Theo khảo sát của phóng viên Tiền phong chiều 16/11 tại một số chợ nằm ở nội thành nhiều mặt hàng nhất là các loại rau, củ, quả, bột ngọt, bột nêm đều tăng đáng kể so với một tuần trước đó. 

Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), giá các mặt hàng rau củ quả bán lẻ đều tăng 500 - 1.000 đồng/kg. Bột ngọt Vedan tăng từ 700.000 đồng lên 815.000 đồng /bao 25kg. Bột ngọt Ajinomoto tăng từ 18.000 đồng lên 19.500 đồng/gói 0,5 kg. Bột nêm Knor, giá bỏ mối trên 21.000 đồng/gói 0,45 kg thay vì 20.000 đồng/gói 0,5kg như trước đây.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, hầu hết các mặt hàng rau lá, củ như bầu, bí đao, cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách Pháp, khổ qua, bắp cải Đà Lạt, su su… tiếp tục tăng mạnh so tuần trước, với mức tăng 800-8.200đồng/kg.

Một số ít loại rau tăng giá nhẹ từ 200-1.000 đồng/kg như bông cải trắng Đà Lạt, gừng nội địa, củ hành đỏ. Theo các thương lái, sở dĩ giá cả các mặt hàng kể trên tăng đáng kể là do mưa nhiều rau dễ bị hư dập, mặt khác một phần rau được chuyển ra ngoài miền Bắc để “ứng cứu” cho mưa lụt khiến lượng hàng đáp ứng cho thị trường khu vực TPHCM có phần giảm.

Trước đó ít hôm, mặc dù giá xăng cũng đã giảm 1.000 đồng/lít nhưng các loại trái cây như nho đỏ Phan Rang, cam sành, bưởi Năm Roi… tăng 200-1.300 đồng/kg; riêng nho Mỹ tăng 15.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg.

Lý do đây là thời điểm Rằm tháng 10 âm lịch, sức mua tăng mạnh đẩy giá tăng theo. Các chuyên gia dự báo, giá cả nhiều mặt hàng tiếp tục tăng trong những ngày đầu tuần này bởi nhằm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sức mua sẽ tăng cao hơn bình thường.

Dè dặt thay đổi giá

Cho đến thời điểm này, chỉ một số ít mặt hàng giảm giá như dầu ăn giảm 10.000 đồng/bình 5 lít, đường cát và các sản phẩm có sử dụng dầu cũng giảm nhẹ.

Mặt hàng có mức độ giảm giá đáng kể nhất là gạo, loại thấp nhất có giá 6.500 đồng/kg; song không phải vì giảm theo giá xăng mà do tình hình đầu ra của mặt hàng này đang gặp nhiều trở ngại.

Điều đó cho thấy giá cả hàng hóa trong thời điểm này không phụ thuộc vào giá xăng, mà phần lớn phụ thuộc vào khả năng cung-cầu của thị trường.

Theo các chuyên gia, phải có thêm thời gian mới nhận thấy rõ những phản ứng của thị trường, nhất là đối với các mặt hàng có quy trình sản xuất dài ngày. “Ngay chiều 15/11 khi xăng giảm giá, tôi đã tiến hành kiểm tra nhưng vẫn chưa thấy có gì thay đổi”- bà Nguyễn Thị Hồng Hương- Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Hương sẽ không đoán trước được điều gì xảy ra, vì rằng việc tăng hay giảm giá một mặt hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ  là giá xăng dầu. Điển hình như mặt hàng rau, củ, quả, thông thường là phải giảm theo giá xăng, trong khi đó giá lại tăng cao ngất ngưởng.

Bà Hương cũng cho biết, hiện các nhà sản xuất, cung cấp các mặt hàng thiết yếu đang rất dè dặt trong việc thay đổi giá cũng như quyết định lượng hàng dự trữ tết. “Cứ im im vậy đó”- bà Hương nói, đồng thời cho biết mọi năm, vào tháng 11 doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị Vinatex bắt đầu tăng, riêng năm nay, cho đến giờ này doanh số vẫn chưa có gì thay đổi. 

MỚI - NÓNG