NATO không bị cuốn vào chiến tranh với Syria

NATO không bị cuốn vào chiến tranh với Syria
TP- Mặc dù tại cuộc họp khẩn cấp của NATO ở Brussels hôm 26-6, các đại diện quốc gia thành viên đều bày tỏ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, lên án Syria về vụ bắn rơi máy bay nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy NATO sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Syria chỉ vì Damascus bắn rơi chiếc F4.

> Thổ Nhĩ Kỳ: Syria là mối đe dọa của an ninh khu vực

Tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tướng Mehmet Erten (trái) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul để báo cáo về việc máy bay quân sự bị Syria bắn rơi. Ảnh: AP
Tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tướng Mehmet Erten (trái) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul để báo cáo về việc máy bay quân sự bị Syria bắn rơi. Ảnh: AP.

Sau khi máy bay chiến đấu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng phòng không Syria bắn rơi, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách nước thành viên NATO yêu cầu tổ chức 28 thành viên này triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp để giải quyết vụ việc.

Các quan chức Ankara viện dẫn Hiệp ước NATO nói rằng, khi một quốc gia thành viên bị tấn công, coi như cả khối quân sự này bị tấn công, nên NATO cần có hành động đáp trả hành động thù địch của Syria đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nhiều nhà phân tích, mọi điều kiện để dẫn đến khả năng NATO trừng phạt quân sự đối với Syria lúc này chưa chín muồi vì ba lý do.

Thứ nhất, để có cuộc tấn công quân sự tập thể vào Damascus, NATO cần có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và của Liên đoàn Ảrập.

Điều này không thể xảy ra trong tương lai gần. Chính Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhiều lần nói rằng, trước khi có hành động quân sự nào với Syria, NATO cần có sự cho phép rõ ràng của quốc tế và sự ủng hộ của khu vực.

Thứ hai, NATO có nhiều nước thành viên không muốn có thêm cuộc chiến ở Trung Đông. Do NATO làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, nên tại thời điểm này không có khả năng tìm được sự đồng thuận của cả 28 quốc gia thành viên để NATO tấn công quân sự Syria, nhằm trừng phạt hành động bắn rơi máy bay quân sự của một quốc gia NATO.

Thứ ba, Syria có lực lượng quân sự mạnh được trang bị vũ khí hiện đại, binh lính được giáo dục và huấn luyện tốt nên rất trung thành với chính phủ, do vậy kể cả trường hợp được phép tấn công vào Damascus, NATO không dễ khuất phục được Syria giống như tổ chức quân sự này từng làm với Libya.

Syria nói họ bắn nhầm do hệ thống phòng không tự động quá nhạy khi phát hiện chiếc máy bay F-4 bay rất nhanh ở cự ly thấp xâm phạm bầu trời của Syria và không thể nhận ra đó là máy bay của không lực Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía Ankara thừa nhận chiếc F-4 của họ đã bay trệch hướng vào không phận Syria, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lãnh đạo khác của NATO vẫn đòi Damascus phải trả giá.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thề sẽ không để cho Syria yên ổn. Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định Damascus không được phép hành động như vậy mà không bị trừng phạt.

Đ.P
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG