NATO đồng ý chỉ huy liên quân chống Libya

NATO đồng ý chỉ huy liên quân chống Libya
TPO - Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa ra tuyên bố nhận trách nhiệm chỉ huy liên quân thực hiện sứ mệnh thiết lập vùng cấm bay tại Libya sau nhiều ngày tranh cãi trong nội bộ khối.

“NATO đã quyết định thực thi khu vực cấm bay tại Libya.”, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen tuyên bố trong cuộc họp đại sứ các nước NATO.

“Chúng ta đang hành động trong một nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ thường dân chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng trung thành với ông Gaddafi. Chúng ta sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực và hoan nghênh sự đóng góp của họ.”

Sau đó, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Mỹ CNN, ông Rasmussen khẳng định sẽ tiếp nhận lại quyền chỉ huy liên quân từ quân đội Mỹ trong một hay hai ngày tới đây.

Trước khi NATO chính thức nhận trách nhiệm chỉ huy liên quân thực hiện nhiệm vụ thiết lập vùng cấm bay tại Libya, vai trò ai đứng đầu liên minh đã gây nên nhiều tranh cãi.

Mỹ - nước đang lãnh trách nhiệm chỉ huy liên quân trong vài ngày qua, rõ ràng không muốn lún sâu vào một cuộc chiến tại quốc gia Hồi giáo thứ 3 trên thế giới, sau Iraq và Afghanistan. Bên cạnh đó, khoản chi phí lên tới một tỷ USD cho gần một tuần tham chiến tại Libya hiện đang đặt chính phủ của ông Obama trước những chỉ trích ngày càng gay gắt tại quốc hội.

Còn Pháp, nước tích cực nhất trong hoạt động quân sự tại Libya, đã cố gắng thuyết phục Anh thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung Anh-Pháp cho tất cả các hoạt động của liên quân. Tuy nhiên, London đã bác bỏ ý tưởng này và cho rằng, NATO là cơ quan tốt nhất để điều hành một hoạt động quân sự như vậy.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc của NATO, muốn thông qua một quyết định như vậy cần có sự đồng ý của tất cả 28 quốc gia thành viên của khối. Nhưng điều đó không hề dễ dàng. Điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc NATO nắm quyền chỉ huy liên minh tấn công Libya với lý do liên quân đã bắn phá nhiều mục tiêu trên mặt đất, gây thiệt hại tính mạng cho thường dân – trái với mục tiêu thiết lập vùng cấm bay theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, Đức cũng phản đối quyết định này. Bộ Quốc phòng Đức thậm chí còn không huy động các tàu chiến của nước này hiện có tại Địa Trung Hải để hỗ trợ liên quân trong việc thực thi nhiệm vụ tại Libya.

Trong một động thái khác, ngày 24 – 3, các máy bay của Pháp đã bay sâu vào khu vực nội địa của Libya và khẳng định đã bắn hạ một máy bay huấn luyện chiến đấu của Không quân Libya gần thành phố Misrata.

Cũng trong đêm qua, liên quân đã thực hiện đêm tấn công thứ 5 vào các mục tiêu trên bộ của quân đội Libya nhưng không thể ngăn cản được lực lượng thiết giáp trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bắn phá những thị trấn hiện do lực lượng chống chính phủ nắm giữ.

Hiện nay, giao tranh giữa các lực lượng trung thành với chính phủ và phiến quân đang diễn ra các liệt tại các thành phố Misrata và Ajdabiya, cửa ngõ vào thành phố Benghazi - thủ phủ của phiến quân ở phía đông Libya.

Linh Huy
Theo Reuters, AP

Theo Dịch
MỚI - NÓNG