Nào chúng ta cùng xơi xôi lạc!

TP - Ai “bắt” tôi phải xơi xôi lạc?. Cứ tự hỏi, để nhớ tới anh Chí của cụ Nam Cao “Ai cho tôi lương thiện?”. “Xôi lạc”, tên của một trang web lậu chuyên đi “chôm” sóng các trận đấu quốc tế rồi phát miễn phí trên nền tảng youtube, bất chấp bản quyền. Đang hot suốt mấy hôm nay.

Trong khi người ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có bản quyền ung dung ngồi xem các đội tuyển Olympic tranh tài tại ASIAD 18 (Indonesia), thì dân ta già trẻ lớn bé xem và cổ vũ các cầu thủ của mình thi đấu qua “kênh”…xôi lạc! Bởi các nhà đài Việt Nam đã quyết định rằng không thể mua bản quyền phát sóng giải thể thao này với cái giá quá “chát” lên tới hàng triệu đô la như vậy!

Ai cho tôi làm người tử tế khi buộc phải ăn “lậu” xôi lạc?. Xôi có dính mép, nhưng chả ai việc gì phải chùi, vì cả làng ai cũng đều ăn vụng!. Không biết quan chức thể thao, bóng đá nước mình ngồi ở nhà có lén mở điện thoại ra xem lậu không? Rồi suốt hơn nửa tháng diễn ra Đại hội thể thao lớn nhất châu Á này, người Việt ta theo đoàn thể thao ASIAD mặt mũi nào nhìn đồng nghiệp các nước? Vận động viên nghĩ gì khi người dân quê nhà theo dõi, cổ vũ mình thi đấu qua những đường link lậu?

Báo đài Tây mấy ngày này ra vỉa hè quay cảnh bà con mình cặm cụi ngồi xơi “xôi lạc” rồi hò reo chiến thắng để làm cái phóng sự thì đẹp mặt phải biết!

Đành rằng nói như người nhà đài: Truyền hình trả tiền ở Việt Nam còn chưa phát triển, trong khi hầu hết khán giả lại chỉ có nhu cầu được xem miễn phí. Cùng với đó là nạn xem “lậu”, vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan. Từng có việc VTVCab bị đối tác là một giải bóng đá hàng đầu của châu Âu cắt sóng, sau đó bị tước quyền sở hữu bản quyền, vì đài không kiểm soát được việc vi phạm bản quyền.

Nhưng lẽ nào chỉ vì thế, mà buông? Để cả nước phải công khai xem “lậu” đội tuyển quốc gia thi đấu. Lẽ nào đã hết cách? Lẽ nào đây chỉ là việc của riêng nhà đài, mà không thấy bóng dáng của cả “hệ thống chính trị vào cuộc” như với nhiều sự việc khác?

Hãy nhớ lại làn sóng trào dâng sau kỳ tích mới đây giữa tuyết bỏng Thường Châu của các chàng trai chúng ta tại Chung kết U23 châu Á. Thỏa mãn nỗi khát khao, mong chờ chính đáng của 90 triệu dân, đó có được coi là “nhiệm vụ chính trị” không? “Nhiệm vụ chính trị” lẽ nào chỉ trực tiếp mấy chương trình hát hò nhân dịp lễ giỗ đến hẹn lại lên?

Không dám tưởng tượng, “nhỡ mà” tuyển bóng đá Olympic của chúng ta vào sâu hơn nữa, lên cao hơn nữa tại ASIAD lần này, thì bài hát tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi sẽ vang lên ở đâu? Không lẽ từ “kênh”… xôi lạc?!

MỚI - NÓNG