Trao đổi với phóng viên, PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Báo chí đã làm rõ hơn nội dung này.
Khi nói đến địa chỉ đào tạo nhân lực báo chí, công chúng thường nghĩ đến cái nôi đầu tiên đào tạo đội ngũ những người làm báo, đó là Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông có thể khái quát đôi nét về lịch sử ra đời và những đóng góp nổi bật của Khoa Báo chí trong 55 năm qua?
PGS, TS Nguyễn Văn Dững: Được thành lập ngày 16/1/1962, Khoa Báo chí là một trong những “con nòi” đầu tiên của Trường Đại học Tuyên giáo, tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay.
Những năm đầu (1962-1968), Khoa Báo chí chủ yếu được giao nhiệm vụ mở các lớp đào tạo từ 3 tháng đến 27 tháng, đối tượng là các cán bộ trong biên chế các cơ quan báo chí, tuyên huấn ở miền Bắc. Từ năm 1968, Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và chiêu sinh đào tạo khóa đại học đầu tiên. Khóa 1 (1969-1973), với chương trình đào tạo hệ chính quy tập trung 4 năm có gần 200 học viên tham gia. Từ năm 1980 đến nay, Khoa Báo chí không ngừng mở rộng quy mô, đối tượng, trình độ đào tạo ở cả bậc đại học (hệ bằng một và bằng hai) và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Đây là khoa đầu tiên trên cả nước được phép mở đào tạo thạc sĩ báo chí (1995), tiến sĩ báo chí (2003).
Ngoài ra, các chuyên gia của khoa còn tổ chức đào tạo-tập huấn, cập nhật kiến thức và kỹ năng báo chí-truyền thông theo chuyên đề, theo chức danh trong tòa soạn, tư vấn phát triển đáp ứng nhu cầu cho các cơ quan báo chí, cho các ngành, địa phương.
Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí; bám sát nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 55 năm qua, Khoa Báo chí đã đào tạo được hơn 13.000 cán bộ báo chí-truyền thông, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Tập thể Khoa Báo chí và các cán bộ, giảng viên của khoa đã xuất bản hơn một trăm đầu sách, bao gồm sách chuyên khảo, giáo trình và sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, khoa còn thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Học viện.
Bên cạnh đó, Khoa Báo chí đã tổ chức và duy trì hoạt động hằng tháng Câu lạc bộ Báo chí-Truyền thông và Câu lạc bộ Báo chí điều tra, tổ chức cho sinh viên đi nghiên cứu thực tế, viết bài và làm các sản phẩm truyền thông khác. Trong khuôn khổ dự án hợp tác với Thụy Điển, Khoa Báo chí đã lập website “Báo chí với trẻ em”. Cùng với việc tổ chức xuất bản đặc san Báo chí trẻ (2004), hai sản phẩm báo chí này đã đóng vai trò làm sân chơi, bãi tập cho sinh viên thực hành nghề nghiệp ngay tại trường và biến khoa báo chí thành tòa soạn thu nhỏ.
Hơn một thập niên trở lại đây, kỹ thuật và công nghệ truyền thông số đã và đang làm thay đổi về mọi mặt đời sống, đòi hỏi báo chí phải thay đổi để theo kịp xu hướng đó. Vậy Khoa Báo chí có quan điểm đổi mới phương thức đào tạo nhân lực báo chí như thế nào trong thời đại kỷ nguyên số, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Văn Dững: Trong kỷ nguyên truyền thông số, môi trường truyền thông số, nền báo chí-truyền thông của chúng ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trước hết và chủ yếu là thách thức về nhận thức và kỹ năng làm việc của nhà báo, nhà truyền thông vận động xã hội; thứ hai là thách thức về mô hình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí-truyền thông; thứ ba là thách thức về hoạt động quản lý-bao gồm quản lý cấp vĩ mô và quản lý cấp vi mô; thứ tư là thách thức về cách thức ứng xử với công chúng-xã hội để chiếm lĩnh thị phần…
Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực báo chí-truyền thông trong bối cảnh và môi trường truyền thông số, thời gian tới, Khoa Báo chí sẽ tạo điều kiện, gợi mở và hướng dẫn phương pháp để người học tích hợp kiến thức nền tảng, kiến thức bách khoa đủ rộng; đồng thời tạo cơ hội định hướng tích hợp kiến thức ngành, chuyên ngành cũng như tích hợp đa kỹ năng trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ truyền thông số, bảo đảm cho nhà báo tác nghiệp đạt hiệu quả tối ưu.
Trong môi trường truyền thông số, khái niệm “báo chí kết nối” đang hình thành, do đó Khoa Báo chí sẽ chú trọng đào tạo vừa thu hẹp vừa mở rộng. Thu hẹp quy mô đào tạo nhà báo chuyên nghiệp để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Đào tạo mở rộng là tăng cường đào tạo đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên và những ai yêu thích nghề báo để họ có thể trở thành nhà báo công dân và nhà báo chuyên nghiệp bất kỳ lúc nào. Đội ngũ có nhận thức đúng, có kiến thức và kỹ năng sẽ tham gia báo chí và mạng xã hội.
Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho các nhà báo, nhà truyền thông chuyên nghiệp theo hướng chuyên sâu, nhất là kiến thức pháp luật và kiến thức, phương pháp chuyên đề theo lĩnh vực đề tài cũng như phương pháp tác nghiệp; đặc biệt chú trọng đào tạo kiến thức, năng lực thiết kế và quản trị chiến dịch truyền thông, chiến lược và kế hoạch truyền thông, quản trị truyền thông trong khủng hoảng cũng như tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí chuyên biệt.
Cùng với đào tạo theo chương trình chuẩn từ trình độ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ, Khoa Báo chí phấn đấu trở thành trung tâm tập huấn đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí-truyền thông theo các tiêu chuẩn chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu tư vấn, kiến tạo và triển khai các chiến dịch và kế hoạch báo chí-truyền thông; cùng với các đồng nghiệp tổ chức và cấu trúc lại các tòa soạn bảo đảm đổi mới mô hình tổ chức-sản xuất và quản lý cơ quan báo chí và tòa soạn báo chí cũng như các cơ sở truyền thông trong môi trường truyền thông số.
PGS, TS Nguyễn Văn Dững: Khoa Báo chí sẽ đổi mới phương pháp luận đào tạo, chuyển từ đào tạo người viết báo sang đào tạo người làm báo. Tức là những nhà báo trong kỷ nguyên công nghệ số không chỉ biết viết báo, không chỉ biết tiếp cận, phân tích, đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự mà còn phải biết kết nối các nguồn tin, tổ chức các sản phẩm báo chí, nghiên cứu thị trường báo chí để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công chúng xã hội; đồng thời biết xử lý các sự cố truyền thông trong khủng hoảng.
Chúng tôi sẽ chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận và nhà báo điều tra; tăng cường tập huấn bảo đảm kiến thức, phương pháp làm việc và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan báo chí từ ban biên tập đến các phòng, ban chức năng. Công tác đào tạo báo chí hướng tới xây dựng đội ngũ nhà báo, nhà truyền thông đồng thời là những nhà “siêu kết nối” để có thể huy động, kết nối nguồn lực xã hội, trước hết là đội ngũ trí thức tạo thành lực lượng nòng cốt trong quá trình phản ánh và truyền dẫn, định hướng và điều hòa dư luận xã hội. Tức là góp phần xây dựng nền báo chí-truyền thông cách mạng và chuyên nghiệp, vừa là công cụ tuyên truyền chính trị, vừa là thiết chế kiến tạo xã hội.
Muốn vậy, giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, tự mình làm giàu trí tuệ, kiến thức, thông tin để vừa truyền cảm hứng, vừa hướng dẫn phương pháp học tập, kích thích năng lực sáng tạo cho sinh viên; biết làm tăng giá trị cho sinh viên để các em biến những kiến thức thành những kỹ năng làm nghề. Nhờ vậy sau khi ra trường, các em biết lựa chọn, đánh giá, phân tích các sự kiện, vấn đề xã hội một cách kịp thời, khách quan, chính xác, chuẩn mực, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường thông tin xã hội.
Theo quan điểm của chúng tôi, thương hiệu của Khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính là chất lượng sản phẩm đầu ra, đó là những nhà báo có bản lĩnh, phong cách, sáng tạo, có khả năng kết nối các nguồn thông tin khác nhau với mục đích cao nhất là cùng góp phần kiến tạo một thiết chế xã hội lành mạnh; người làm báo có đủ khả năng, năng lực làm chủ, thể hiện và dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng tích cực, bảo đảm cho công tác báo chí-truyền thông phục vụ những mục tiêu cao cả của đất nước, xã hội và công chúng.
Trân trọng cảm ơn ông!