Nâng bước thủ khoa 2021: Thắp lên niềm hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thị Mỹ Duyên phục vụ quán cà phê lấy tiền trang trải cuộc sống
Nguyễn Thị Mỹ Duyên phục vụ quán cà phê lấy tiền trang trải cuộc sống
TP - 120 tân Thủ khoa và thí sinh có thứ hạng cao trong kỳ tuyển sinh năm 2021 của các trường đại học trên toàn quốc được tôn vinh và trao học bổng trong chương trình Nâng bước thủ khoa 2021 để thắp lên niềm hy vọng trên con đường chinh phục kiến thức.

Vượt lên nước mắt

Không có cha, từ nhỏ Nguyễn Thị Mỹ Duyên (xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi) được mẹ gửi cho bà ngoại để vào TPHCM làm thuê. Cuộc sống chưa kịp êm ả thì sóng gió ập đến khi đầu năm 2017, mẹ của Duyên được phát hiện mắc bệnh ung thư. Chi phí chữa bệnh quá lớn, gia đình phải vay mượn khắp nơi. Để có tiền trang trải cuộc sống, Duyên vừa học, vừa phụ việc ở quán cà phê. Nhưng khoản tiền ít ỏi có được chỉ vừa đủ sống qua ngày nên món nợ vay mượn chữa bệnh cho mẹ vẫn luôn đeo đẳng và ngày càng chồng chất trên vai cô học trò Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng.

Bà ngoại mất, Duyên một mình lo cho mẹ. Rồi mẹ cũng ra đi sau đó không lâu, bỏ lại Duyên bơ vơ trong cảnh kiệt quệ và giữa những ngày cao điểm chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Cú sốc quá lớn khiến Duyên gục ngã và cô muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của người thân, thầy cô và bạn bè, Duyên dần gượng dậy, vượt qua kỳ thi quan trọng và trở thành một trong những sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Nâng bước thủ khoa 2021: Thắp lên niềm hy vọng ảnh 1

Thi Linh Chi tranh thủ làm thuê kiếm thêm tiền lo cho gia đình

Lê Tuấn Anh sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị), mồ côi cha từ năm lên 9. Với Tuấn Anh, “sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần là nỗi buồn, song cũng là động lực thúc đẩy ý chí vươn lên trong cuộc sống”. Nhờ đó, cậu bé mồ côi liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và trở thành tân sinh viên với số điểm nằm trong tốp đầu kỳ thi tuyển sinh 2021 vào Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng).

Chương trình “Nâng bước thủ khoa” do báo Tiền Phong sáng kiến tổ chức, trở thành một hoạt động thường niên có ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam của TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do báo Tiền Phong làm Thường trực. Chương trình nhằm tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào các trường đại học, học viện trong cả nước, có hoàn cảnh khó khăn. Hồ sơ xét chọn dựa trên thành tích học tập, hoàn cảnh và tâm thư bày tỏ khát vọng, vượt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của các em. Mỗi suất học bổng gồm: 10 triệu đồng; suất học tiếng Anh của Anh văn Hội Việt Mỹ trị giá 10 triệu đồng và nhiều hiện vật có giá trị. Năm nay chương trình sẽ trao 120 suất học bổng cho các em sinh viên. Lễ trao học bổng Nâng bước Thủ khoa 2021 được tổ chức ngày 25/12/2021 tại TP HCM và một số điểm cầu trực tuyến.

Bố đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông khi Lê Minh Trí (Chợ Gạo, Tiền Giang) mới lên 3. Hai năm sau, tai nạn giao thông tiếp tục cướp đi anh trai của Trí. Những mất mát liên tiếp đã khiến cậu bé Trí sốc nặng nên bỏ bê học hành và nghiện game đến quên cả ăn, ngủ khiến mẹ Trí vô cùng đau khổ và thất vọng. Nhưng rồi, đến một ngày, vào năm cuối cấp 2, Trí tự nhận ra sự lạc lối của mình và quyết tâm từ bỏ. “Em muốn làm người có trách nhiệm”, Trí xác định và đã chuyên tâm học hành. Trí cũng đặt cho mình những mục tiêu phấn đấu. Nhờ đó, cậu bé mồ côi lần lượt vượt qua những khó khăn thử thách để trở thành một trong những sinh viên có điểm đầu vào cao nhất của Trường đại học Bách khoa TPHCM. “Đó là bước ngoặt lớn của tuổi 18 trong hành trình thực hiện hoài bão, vươn tới ước mơ của mình”, Trí bày tỏ.

Thắp lên hy vọng

Dịch COVID-19 bùng phát khiến bao gia đình lâm cảnh khốn khó. Con đường đến trường của nhiều tân sinh viên cũng vì thế thêm bội phần trắc trở. Cô nữ sinh Trần Ngọc Khánh Vy ở một xóm nghèo thuộc phường 5, quận 8 (TPHCM) là một trong số đó. Cha làm bảo vệ, mẹ là thợ may vá quần áo, anh trai chạy xe ôm công nghệ với thu nhập hạn chế. Khi thành phố phải phong tỏa vì dịch, công việc bị ảnh hưởng và thu nhập giảm sút mạnh khiến gia đình Vy lâm cảnh túng quẫn. “Nhiều tháng liền mẹ không ngồi vào bàn may vá vì không còn ai quan tâm đến áo quần. Anh trai cũng mất việc, không được ra đường để chạy xe...”, Vy kể. Vì vậy, khi hay tin đậu vào Trường ĐH Sài Gòn với điểm số cao, thay vì mừng, Vy lại cảm thấy hoang mang lo lắng bởi con đường đến trường của mình có thể sẽ phải đứt đoạn.

Hồ Thị Hồng Nữ, tân sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing cũng trong tâm trạng nặng trĩu. “Đậu đại học, em rất vui sướng nhưng nhìn thấy con đường phía trước của mình quá nhiều chông gai”, Nữ trải lòng. Nữ không có cha. Bà Nương, mẹ của Nữ phải vào Sài Gòn bán vé số dạo để nuôi hai con. Em gái Nữ bị khuyết tật bẩm sinh, không thể tự lo cho bản thân, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Nữ phải cáng đáng mọi việc trong gia đình và chăm sóc em. Số tiền mẹ gửi về rất ít ỏi, vì tằn tiện để lo cho em nên Nữ thường xuyên nhịn đói đi học, thi thoảng chỉ dám ăn bữa sáng gói xôi 5 nghìn đồng. Khi TPHCM chìm trong dịch, bà Nương phải về quê, nguồn thu nhập duy nhất của gia đình cũng không còn từ đó.

Thi Linh Chi cùng mẹ và em gái sống trong căn phòng trọ tại ấp nghèo Xóm Khách thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh). “Mẹ làm công nhân, lương thấp. Gia đình không có ruộng đất, tất cả đều sống nhờ vào lương của mẹ”, Chi cho hay. Cô kể, đầu năm ngoái mẹ phát bệnh ung thư, sức yếu, dịch dã lại kéo dài nên công việc không ổn định, thu nhập rất ít. Em của Chi đã phải nghỉ học để đi làm nhưng được trả thù lao thấp. Ngoài giờ học, Chi tranh thủ làm thuê cho bà con quanh vùng để kiếm thêm tiền lo cho gia đình và chăm mẹ. “Không biết sắp tới đến trường học thì lấy đâu tiền để trang trải?”, cô tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM bày tỏ lo lắng. Vì vậy, cũng như bao sinh viên khó khăn khác, học bổng "Nâng bước Thủ khoa" giúp Chi thắp lên niềm hy vọng.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.