Thuê người đóng giả công an để lừa đảo
Ngày 12/3, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Lương vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Đăng Đức (SN 2002, trú xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra, Đức ở trọ tại Hà Nội, làm công việc chạy phần mềm quảng cáo trên Facebook để cho người khác thuê bán hàng. Do đang cần tiền để đầu tư chơi tiền ảo nên khi biết người bạn quen qua mạng xã hội là anh L. V. T (SN 1996, ở xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) nhờ “chạy án”, Đức nói dối mình quen biết cán bộ công an nên có thể lo được.
Nắm được anh T. bị người khác chuyển tiền lừa đảo vào tài khoản, bị công an Lào Cai triệu tập lên làm việc, Đức đã thông tin với anh T. rằng sau khi nhờ người kiểm tra hồ sơ liên quan, anh T. có thể lĩnh mức án từ 3 - 7 năm tù. Để tăng lòng tin, Đức còn thuê một người đàn ông chạy xe ôm đóng giả làm cán bộ công an đến gặp anh T. nói chuyện. Tin tưởng, anh T. đã chuyển tổng số tiền 402 triệu đồng cho Đức, rồi bị chiếm đoạt.
Trước đó, tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Nguyên Giáp (SN 1993, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, năm 2023, một công dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo chiếm đoạt tiền. Sau đó, người này đã tham gia vào một số nhóm trên mạng xã hội để tìm cách lấy lại tiền. Khi đó, Giáp đã chủ động nhắn tin cho người này cho biết mình từng bị lừa đảo như vậy và có quen biết với một cán bộ làm ở Bộ Công an có thể giúp lấy lại tiền.
Rồi Giáp gửi số điện thoại của mình, giả làm cán bộ công an và trao đổi với công dân trên. Sau đó, người này đã chuyển cho Giáp ba lần với tổng số 100 triệu đồng để nhờ tiếp nhận đơn trình báo và điều tra.
Đối tượng Lê Nguyên Giáp tại cơ quan công an. |
Sai lầm khi cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng
Gần đây, ngày 22/2/2024, chị L. T. Y. (SN 1985, ở xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên), nhận được điện thoại của một nam giới tự xưng là cán bộ công an xã thông báo việc định danh điện tử mức độ 2 của chị bị lỗi phải cài lại.
Tin tưởng, chị Y. lập tức làm theo hướng dẫn, tải ứng dụng “CỔNG DỊCH VỤ CÔNG BỘ CÔNG AN” về điện thoại. Sau khi cài đặt, ứng dụng yêu cầu chị thanh toán tiền phí 12 nghìn đồng nhưng chị thao tác không thành công.
Công an tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để dụ chị “sập bẫy”, đối tượng lừa đảo tiếp tục hướng dẫn chị đồng bộ tài khoản ngân hàng vào ứng dụng mới tải về. Sau khi đồng bộ xong, chị Y. nhận được tin nhắn gửi mã OTP và đã ấn đồng ý.
Sau đó toàn bộ tiền trong các tài khoản ngân hàng của chị T. đều bị trừ, tổng là 125 triệu đồng.
Ngoài chị T., còn anh V. D. H. (SN 1976, ở phường Trung Thành, TP Thái Nguyên) cũng nhắn tin với tài khoản Facebook “Công ty Hồng Phước 5” để hỏi mua xe ô tô với giá 392 triệu đồng.
Anh H. được hướng dẫn liên lạc với một số điện thoại và kết bạn với một tài khoản messenger để được tư vấn làm thủ tục mua xe. Chủ tài khoản này yêu cầu anh H. xác thực tài khoản ngân hàng xem có đủ tiền hay không.
Anh H. không nghi ngờ làm theo hướng dẫn và cung cấp mã OTP cho đối tượng. Chính thao tác này của anh đã tạo cơ hội để đối tượng lừa đảo có cơ hội truy cập tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền 408 triệu đồng, nội dung thanh toán trực tuyến qua NAPAS và không hiện thông tin số tài khoản nhận tiền.