Trong số các ca phải nhập viện, người bị rắn lục đuôi đỏ cắn chiếm hơn 70%. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, mùa mưa năm nào cũng lập lại hiện tượng này.
Các thông tin trên được bác sĩ Lê Quốc Hùng - Phó khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - khẳng định, nhằm cảnh giác người dân, nhất là khu vực phía Nam, khi đang bắt đầu vào mùa mưa và cũng để trấn an dư luận gần đây cho rằng xuất hiện rắn lục đuôi đỏ cắn người rất nhiều, nhất là tại TPHCM.
Theo bác sĩ Hùng, cứ vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 hằng năm (tức mùa mưa), số bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện sẽ tăng lên đều đặn, trên dưới 200 ca/tháng. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 6 này, đã có 111 ca nhập viện, trong đó có đến 80 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Cao hơn nhiều so với tháng 5, chỉ có 70 ca rắn cắn nhập viện. Trung bình mỗi năm tại khoa ghi nhận từ 800-1.000 ca rắn cắn với khoảng 5 ca tử vong/năm.
Hiện tại khoa có 15 ca rắn cắn đang điều trị, với 9 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trong tuần, khoa tiếp nhận 2 phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn gặp biến chứng khá nặng, nguy kịch, trong đó có 1 ca mang thai 14 tuần. Tuy nhiên, sau khi được truyền huyết thanh kháng nọc, hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định. Do bệnh tăng theo chu kỳ, nên khoa đã hoàn toàn chủ động được vật tư y tế, dự trù cơ số huyết thanh đủ đáp ứng cho người bệnh.
Bác sĩ Hùng cảnh báo người dân trong mùa mưa, cần hạn chế đến những nơi bụi rậm, nơi nuôi hoặc chế biến thức ăn từ rắn. Tuân thủ quy định an toàn lao động khi làm việc tại những nơi nhiều cây cối như rừng cao su, công viên…
Khi bị rắn cắn, không thắt ga-rô vết thương, vì nếu làm không đúng cách, sẽ khiến bệnh nhân bị hoại tử. Không đến các thầy lang rạch vết cắn hút nọc, đắp lá thuốc. Bởi nếu gặp rắn độc gây rối loạn đông máu (như rắn lục đuôi đỏ), thì việc rạch vết cắn gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Điều nên làm, theo bác sĩ Hùng, rửa ngay vết thương bằng nước sạch. Đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 6 tiếng đồng hồ đầu tiên kể từ khi bị rắn cắn.