Năm Tý kể chuyện lý thú về loài chuột

Năm Tý kể chuyện lý thú về loài chuột
TP - Chuột có nhiều loại khác nhau, có mặt trên khắp thế giới. Chuột khôn, nhanh nhẹn, nhiều người thấy đáng yêu nhưng chúng cũng bị không ít người ghét bỏ. Đầu năm Tý, hãy nghe những chuyện lý thú về loài chuột.

Chuột là loài vật nuôi con bằng sữa mẹ và có cấu tạo gen di truyền gần giống với người.

Do đó, từ cách đây hàng nghìn năm, đặc biệt trong khỏang 100 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã sử dụng chuột làm thí nghiệm về sinh học, y học và một số môn khoa học khác, giúp họ khám phá ra rất nhiều điều lý thú và quan trọng, đạt được nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng phục vụ cho cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ cho con người, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về cấu tạo cơ thể người, thử nghiệm các loại vắc xin, thuốc chữa bệnh...

Năm Tý kể chuyện lý thú về loài chuột ảnh 1

Đã có nhà khoa học nói lên tầm quan trọng của chuột thí nghiệm trong các công trình nghiên cứu khoa học, rằng “nếu không có chuột, thì có thể không có chúng ta”.

Chuột không sợ... mèo

Chúng ta vẫn tưởng chuột mà nhìn thấy mèo thì sợ “mất mật’, nhưng có lẽ bộ phim hoạt hình Tom và Jerry đã gợi ý cho nhà khoa học Hitoshi Sakano ở đại học Tokyo (Nhật Bản) nảy ra ý tưởng làm cho chuột không còn cảm thấy sợ mèo nữa.

Nhà khoa học này phát hiện ra rằng chính tuyến thần kinh nhận biết mùi của chuột phản ứng cực kỳ nhạy cảm với mùi của mèo - kẻ thù truyền kiếp của họ hàng nhà chuột nên chúng rất sợ.

Năm Tý kể chuyện lý thú về loài chuột ảnh 2

Hitoshi Sakano đã tiến hành vô hiệu hoá bộ phận thần kinh nhận biết mùi trong não chuột. Kết quả thí nghiệm cho thấy chú chuột “điếc mũi” này có thể chơi vô tư với mèo và không hề có cảm giác sợ hãi (xem ảnh). Tuy nhiên thí nghiệm này thành công một phần còn nhờ mèo ta đã được cho ăn uống no nê.

Cơ chế giới tính đặc biệt

Qua nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học ở đại học Harvard (Mỹ) phát hiện ra rằng não của loài chuột không có bộ phận chỉ đạo hoạt động giới tính mà chúng có một loại gen gọi là TRPC2 tập trung trong một bộ phận nhỏ gọi là vomeronasal organ (VNO) nằm ở khoang mũi, đồng thời có nhiều tế bào nhận biết mùi gọi là pheromones.

Đây chính là những “cơ chế” điều khiển hoạt động giới tính của loài chuột và một số loài vật bốn chân khác như mèo, voi...

Khi các nhà khoa học Mỹ tạo ra những con chuột cái biến đổi gen không còn gen TRPC2 nữa thì số chuột cái này có hành vi giới tính như chuột đực, thậm chí sau khi đẻ con khoảng 2 ngày, chuột cái biến đổi gien này đã thiếu hẳn thiên chức làm mẹ, bỏ con đi chơi với chuột đực (chuột cái bình thường dành 80 % thời gian để trông nom con và “cự tuyệt” chuột đực mon men gạ gẫm).

Chuột “siêu khoẻ” và “trường thọ”

Năm Tý kể chuyện lý thú về loài chuột ảnh 3

Từ sự ngưỡng mộ tay đua xe đạp nổi tiếng “siêu khoẻ” Lance Amstrong, nhà sinh học Richard Hanson ở đại học Case Western Reserve (Mỹ) đã thành công trong việc biến đổi gen và lai tạo được 500 con “siêu chuột” có sức khoẻ gấp 10 lần những con chuột thông thường (xem ảnh).

“Siêu chuột” có thể chạy liên tục khoảng 6 km với tốc độ 20 m/phút trong vòng 6 tiếng đồng hồ mà không có cảm giác mệt mỏi. Đồng thời chúng có thể ăn khoẻ gấp 2 lần chuột bình thường mà cơ bắp vẫn săn chắc và không bị béo. Đặc biệt “siêu chuột” này có tuổi thọ tới hơn 3 năm, nghĩa là bằng độ tuổi 80 ở người.

  Tống Minh
Theo Matichon - 1/2008

MỚI - NÓNG