Năm ấy ... Sa Ná

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những cánh rừng đuổi nhau trên con đường bê tông về bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá), gợi nhắc sự nỗ lực của người dân, chính quyền sau trận lũ cuốn trôi hơn 10 người của bản.

Ký ức buồn

Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão, nước sông Luồng dâng cao, tối ngày 2/8/2019, nhiều người dân bản Sa Ná sinh sống ven suối đã sơ tán. Sáng 3/8, trời quang mây, khi người dân trở về bản dọn dẹp nhà cửa thì cơn lũ bất ngờ ập đến. Hàng chục nóc nhà ở Sa Ná bị cuốn trôi, hơn 10 người mất tích.

Năm ấy ... Sa Ná  ảnh 1

Một góc bản Sa Ná hiện nay

Ngay trong sáng 3/8, phóng viên các cơ quan báo chí cập nhật các cung đường để di chuyển lên Sa Ná (cách thành phố Thanh Hoá gần 200km). Thời điểm này, bản Sa Ná đang bị cô lập với bên ngoài, nước lũ dâng cao. Sau khi di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, một số phóng viên cùng lực lượng chức năng đi bộ, vượt qua cánh rừng phía trên núi rồi vòng xuống bản; một số phóng viên khác ghi nhận tại hiện trường điểm chia cắt...

Trước khi tiếp cận hiện trường, từ số liệu báo cáo nhanh của cơ quan chức năng, những bản tin đầu tiên, các phóng viên đã sử dụng những hình ảnh được người dân quay, chụp lại bằng điện thoại cung cấp. Tại hiện trường vùng lũ Sa Ná, ngồn ngộn thông tin như người dân bị nước lũ cuốn trôi bám trên cành cây giữa dòng lũ cuồn cuộn; lực lượng chức năng nỗ lực tiếp cận hiện trường; người dân bơi ra giữa dòng lũ cứu người... Quần xắn gối, các phóng viên khi ngồi ở góc chòi người dân bỏ không, khi ngồi ven đường để cập nhật hình ảnh, thông tin gửi về toà soạn.

Một ngày qua đi, từ những bản tin được cập nhật, cả nước hướng về Sa Ná, theo dõi tình hình tìm kiếm hơn 10 nạn nhân bị nước lũ cuốn. Và những ngày sau đó, các phóng viên tiếp tục cập nhật hiện trường bản Sa Ná tan hoang, những hoàn cảnh gia đình mất người thân sau khi nước rút. Ám ảnh, thương tâm là hình ảnh nhân vật Hà Văn Vân (SN 1990, có bố mẹ, vợ, 2 con và chị gái bị lũ cuốn mất tích) tìm kiếm người thân dọc ven suối; tiếng khóc ai oán của người dân Sa Ná; những đoạn suối được máy móc múc, đào để tìm thi thể người... Nén lại những cảm xúc riêng, các phóng viên lặng lẽ trên nền lũ cuốn tan hoang, gõ những thông tin, cập nhật những hình ảnh.

Năm ấy ... Sa Ná  ảnh 2

Phóng viên báo Tiền Phong trong chuyến công tác trở lại Sa Ná sau trận lũ

Không lâu sau, từng đoàn cứu trợ hướng về Sa Ná, trong đó có nhiều chuyến cứu trợ do lãnh đạo báo Tiền Phong trực tiếp triển khai và kết nối. Nước rút, nhưng đường vào Sa Ná những ngày đầu sau lũ vẫn phải đi bộ nhiều km ven rừng. Cứ thế, chúng tôi liên tục di chuyển nhiều lượt để ghi nhận công tác khắc phục, cứu trợ của ngành chức năng, người dân trong cả nước hướng về Sa Ná... Trong nhiều chuyến đi bộ vào Sa Ná lúc bấy giờ, điều tôi nhớ nhiều hơn cả có lẽ là “mùi rừng” từ những gốc, thân cây bị nước lũ quật đổ, xé nát, vướng lại tại hiện trường, xen lẫn những suy nghĩ về những nạn nhân vẫn đang bị vùi lấp ở đâu đó...

Quyết tâm lớn

Ông Ngân Văn Thêu, Trưởng bản Sa Ná nhớ lại, ngày 8/8/2019, đoàn công tác của Trung ương lội bộ vào Sa Ná, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân. Sự quan tâm kịp thời đã giúp dân bản vơi nỗi đau thương, nỗ lực vượt qua khó khăn, mất mát.

Đồng thời với việc lo cho người dân vùng lũ Sa Ná an cư, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp việc làm như quy hoạch, cải tạo đất bãi ven sông suối, đồi rừng để tạo quỹ đất sản xuất cho người dân Sa Ná; thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng xưởng chế biến lâm sản tại địa phương; đẩy mạnh liên kết dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động…

Đồng hành với chính quyền địa phương và ngành chức năng, trong nhiều năm qua, báo Tiền Phong cũng như nhiều cơ quan báo chí khác tiếp tục hướng về Sa Ná hỗ trợ, ghi nhận những đổi thay, nỗ lực của người dân cũng như cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Sau gần 5 năm, con suối chảy qua bản Sa Ná năm ấy đã đổi dòng. Sa Ná hôm nay là những ngôi nhà khang trang, cỏ cây, núi rừng hiền hoà nhưng ký ức về trận lũ ở Sa Ná năm ấy vẫn luôn ám ảnh...

MỚI - NÓNG
Mưu sinh đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long
Mưu sinh đầu nguồn lũ Đồng bằng sông Cửu Long
TPO - Thời điểm này, dọc tuyến biên giới ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu qua An Giang đang trong mùa nước nổi, với mực nước cao hơn các năm trước. Nước tràn đồng, bốn bề là nước. Đây cũng là thời điểm người dân tất bật mưu sinh từ sản vật cá tôm, các loại rau cỏ "trời cho". Dù vậy, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, không còn phong phú như trước. 
Bình Dương nói về việc đấu giá trụ sở cũ
Bình Dương nói về việc đấu giá trụ sở cũ
TPO - UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tổng quỹ đất công gồm 113 khu với tổng diện tích 22.152 ha, trong đó sẽ thực hiện đấu giá 38 khu đất với diện tích 392 ha. Riêng trong quý 4/2024, Bình Dương lên kế hoạch đấu giá 10 khu đất với tổng diện tích 8,3 ha  Những vị trí đất đấu giá có mục đích sử dụng phù hợp, các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch.