Năm anh em một nhà cùng tiến về năm cửa ô...

TP - Nhà riêng đại tá Hoàng Thúc Cẩn nằm trong con ngõ nhỏ của khu phố Nam Đồng, Hà Nội. Câu chuyện ông kể cho tôi nghe như một huyền thoại của mùa thu 60 năm về trước. Mùa thu 1954 ấy, năm anh em ruột của ông không hẹn mà gặp, cùng theo bước những đoàn quân từ năm cửa ô tiến về giải phóng Thủ đô. 

Năm anh em quê ở tận làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho, dòng dõi Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi... Từ mảnh đất xa xôi Quảng Bình, con đường nào đã đưa 5 anh em gặp nhau ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội vào ngày 10/10/1954?

Năm anh em một nhà cùng tiến về năm cửa ô... ảnh 1 Ông Hoàng Thúc Cẩn và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người mẹ Quảng Bình 5 lẫn tiễn con đi

Đó là một câu chuyện dài mà cho đến bây giờ đại tá Hoàng Thúc Cẩn dù đôi chân bị đau không đi lai được, nhưng vẫn nhớ từng chi tiết.

“Nhà tôi nghèo nhưng rất hiếu học. Vì nghèo quá nên anh em mới “phát minh” ra việc đi làm gia sư cho con nhà người ta để được ăn ở trong nhà họ mà đi học ở Huế. Anh Hoàng Thúc Cảnh là người tiên phong làm gia sư, vừa có cơm ăn, vừa có tri thức, đã “lót ổ” dắt díu nhau, người trước tiếp sức cho người sau như một dây chuyền lao động. Kết quả 3 người kế tiếp nhau học tập nên người. Thầy của chúng tôi hồi đó ở trường Thuận Hóa là Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh, Tế Hanh... Nhờ học các thầy, 3 anh em đều sớm giác ngộ đi theo cách mạng. Mẹ tôi đã 5 lần tiễn con. Những lần tiễn con, tuy nước mắt lưng tròng nhưng mẹ tôi vẫn cố cười vui, dặn dò con yên tâm lên đường cầm súng: Phải làm trọn phận trai khi đất nước có giặc, phải phấn đấu bằng anh bằng chị, vượt qua hiểm nguy để lập công, đem vinh quang về cho gia đình và quê hương…”, ông Cẩn bồi hồi đọc lại những câu thơ mà mẹ đã làm để tặng anh em ông trước lúc lên đường: “Nhà tôi sinh được bảy người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến năm con đi khắp nước/ Lớn lên hai cháu sẽ xung phong…”.

Vậy là kẻ trước người sau cả 5 anh em đều đi theo tiếng gọi của non sông. Ông Cảnh tham gia cách mạng từ trước tháng 8/1945. Ông ra Thanh Hóa làm việc, đồng thời bí mật hoạt động cách mạng, sau đó trở thành cán bộ quân sự - chính trị đầu tiên phụ trách Văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa, rồi làm Hội thẩm chính trị Tòa án quân sự và được chọn làm thư ký cho cụ Hồ Tùng Mậu - Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 4, sau đó chuyển ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch.   

Ông Hoàng Thúc Tuệ - một trong số học sinh giỏi được Nam Phương Hoàng hậu trao thưởng nhưng tháng 3/1945 tham gia Việt Minh, cướp chính quyền ở huyện, rồi được chọn đi học trường sĩ quan lục quân Quảng Ngãi, dưới cờ tướng Nguyễn Sơn, tham gia đánh Pháp ở cực Nam Trung bộ, Lào, rồi Điện Biên Phủ.

Ông Cẩn tham gia Việt Minh, sau vào quân đội, công tác tại Phòng Chính trị Liên khu 4, được đi học Trường Quân chính Quân khu 4, rồi về Trung đoàn 9 - Đại đoàn 304. Mới 20 tuổi, ông Cẩn đã phụ trách một đội đặc nhiệm, trực tiếp chỉ huy đánh đòn phủ đầu quân Pháp khi tướng De Lattre De Tassigny - Cao ủy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp, sau được phong là Thống chế nước Pháp. 

Sau đó, ông chỉ huy trận tập kích pháo binh vào căn cứ địch ở Phát Diệm - Ninh Bình, gây tiếng vang lớn trong chiến dịch Hà Nam Ninh, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi.

Người tiếp theo, ông Hoàng Thúc Tấn tự túc ăn học ở Nghệ An, rồi vào Thiếu sinh quân, ra trường tham gia chiến đấu trên chiến trường Liên khu 3-4.

Người em út Hoàng Quý Thân lúc đó đang đi học ở trường Huỳnh Thúc Kháng - thành phố Vinh. Sau hiệp định Geneva, chuẩn bị giải phóng Thủ đô, dù chưa đủ tuổi tòng quân, vẫn tìm cách xin đi bộ đội để được tham gia chiến đấu, hòa vào đoàn quân giải phóng Thủ đô. 

Kể từ ngày mẹ tiễn năm anh em lên đường, mỗi người một nơi, biền biệt 9 năm trường kì kháng chiến bặt tin nhau, không biết ai còn ai mất. 

“Duy nhất một lần, anh Tuệ gặp tôi trên đường đi đánh trận Phát Diệm, rồi sau đó hay tin tôi hy sinh trên đường số 6 và đơn vị đã làm lễ truy điệu. Đau đớn, anh Tuệ đã viết bài thơ “Khóc em”, ông Cẩn rưng rưng nước mắt, kể tiếp: “Chẳng ngờ, 5 anh em lại gặp nhau như trong mơ vậy, 60 năm rồi mà cứ ngỡ như thần thoại”.

Đó là một ngày Thu tháng 10, lớp lớp đoàn quân tiên về Thủ đô xòe 5 cửa ô. 

Năm anh em một nhà cùng tiến về năm cửa ô... ảnh 2

5 anh em cùng tiến về Thủ đô ngày ấy bây giờ & người em út Hoàng Gia Cương

Cuộc hội ngộ đặc biệt ở đền Ngọc Sơn

Khi ấy, đơn vị ông Cẩn đang đóng quân ở Đông Khê thì được lệnh chuẩn bị về tiếp quản sân bay Gia Lâm. Ông Cảnh theo cơ quan Chính phủ từ ATK Việt Bắc tiến thẳng vào Phủ Toàn quyền rồi đóng quân ở Đồn Thủy (Quân y viện 108 bây giờ). Ông Tuệ theo Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về ngã tư Sở, vào Bạch Mai và tiếp quản một số cơ sở trong nội thành. Ông Tấn từ Hòa Bình vào Ô Chợ Dừa, đến Ô Quan Chưởng rồi qua Long Biên và đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Ông Thân theo một đơn vị bộ đội từ Liên khu 4 ra tiếp quản Thủ đô. Chẳng hiểu cơ duyên nào mà Thân lại tìm được nơi đóng quân của anh Cẩn. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thân được chỉ huy đơn vị cho ở lại cùng anh Cẩn, sinh hoạt, luyện tập như một người lính thực sự. 

Người đại tá già Hoàng Thúc Cẩn bồi hồi kể lại cuộc hội ngộ trong mơ ấy: “Tôi dặn anh em trong đơn vị, nếu gặp được anh em tôi thì nhờ hẹn giúp: cứ sáng chủ nhật đến gặp nhau ở đền Ngọc Sơn. Khi tôi bước tới đầu cầu Long Biên (phía Gia Lâm) để sang điểm hẹn thì thấy đi phía trước mấy bước có một anh bộ đội hình dáng giống em mình, tôi vội gọi thử: “Tấn”. Anh bộ đội quay mặt lại. Đúng là em trai tôi. Hai anh em chạy đến ôm nhau nghẹn ngào, cứ để cho nước mắt ướt cả bờ vai, trước sự ngỡ ngàng của bao người qua. 

Sau đó cả ba anh em tôi cùng đi bộ qua cầu Long Biên, đến cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn thì đã thấy anh Tuệ đang đợi trên cầu, đôi mắt dõi nhìn các hướng và dừng lại khi thấy ba anh em tôi đằng xa. Cả 4 anh em nằm gọn trong vòng tay nhau. Vì bận công tác, nên mãi chủ nhật sau, chúng tôi mới gặp được anh Cảnh, từ Tháp Bút, qua cầu Thê Húc tới điểm hẹn. 5 anh em ôm nhau “vui sao nước mắt lại trào”. Lúc đó tôi có cảm tưởng như dòng máu, nhịp tim và nước mắt của 5 anh em cùng hòa làm một. Từ đó, có một sợi dây thiêng liêng đã gắn kết chúng tôi với Hà Nội, chúng tôi coi đây là quê hương thứ hai của mình”.

Sau ngày đặc biệt ấy, một lần nữa, 5 anh em lại chia tay nhau. Mỗi người nhận một nhiệm vụ mới: người đi học, người tiếp tục con đường binh nghiệp, người trở thành cán bộ cao cấp. Nhưng rồi cả 5 người tiến về Hà Nội từ 5 cửa ô ngày đó đều định cư tại Hà Nội.

5 anh em một nhà...

Trước lúc nghỉ hưu, ông Hoàng Thúc Cảnh - Cố vấn Văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Thúc Tấn -Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Thúc Tuệ và ông Hoàng Thúc Cẩn đều mang hàm đại tá quân đội. ông Hoàng Quý Thân là tiến sĩ ngành điện; người em út Hoàng Gia Cương là kỹ sư Vật lý, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.  

Ông Cẩn đưa tôi xem những bức ảnh gia đình chụp chung với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những năm Thủ đô vẫn còn trong thời kỳ bao cấp. Những người lãnh đạo cao cấp ấy vẫn luôn dành cho gia đình của 5 anh em cùng tiến về giải phóng thủ đô một tình cảm thân quý. 

Ông Cẩn đưa cho tôi xem tuyển tập mang tên “Một vườn cam ngọt, một sân quế hòe” mà ông dày công biên soạn, lưu trữ, coi nó thành như cuốn sử nhỏ của đại gia đình. 

Kể từ mùa thu 1954, đến nay đại gia đình của ông Cẩn đã có 3 thế hệ với 74 người con, cháu. Hầu hết các thành viên trong đại gia đình đều có học hàm, học vị cao, thành đạt. Người em út của 5 anh em, nhà thơ Hoàng Gia Cương ví gia đình mình như cây lộc vừng 9 nhánh bên Hồ Gươm.

Đại gia đình ấy có một ngày và một địa chỉ thiêng liêng: ngày 10/10 và đền Ngọc Sơn. 10 năm nay, ông Hoàng Thúc Tuệ không còn có mặt ở điểm hẹn nữa, ông mất năm 2004. Ông Hoàng Thúc Cẩn đau chân, phải ngồi xe lăn. Nhưng tôi biết mỗi khi sắp tới ngày 10/10, lòng người đại tá già này lại nao nao xúc động như ngày ấy bước chân dồn vang 5 anh em tiến vào 5 cửa ô giải phóng Thủ đô.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.