Năm 2023, không để xảy ra khiếu kiện bức xúc kéo dài do chậm giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Viện KSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn số 38/HD-VKSTC hướng dẫn công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2023.

Hướng dẫn số 38/HD-VKSTC xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, lãnh đạo Viện KSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND tối cao tại các Chỉ thị chuyên đề; quy định tại các Thông tư liên tịch và các quy chế, quy trình của Ngành liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp…

Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật coi đây là biện pháp chống oan, sai, phòng bỏ lọt tội phạm.

Năm 2023, không để xảy ra khiếu kiện bức xúc kéo dài do chậm giải quyết ảnh 1

Cán bộ kiểm sát tiếp công dân. Ảnh: TTCP.

Theo Hướng dẫn số 38, các nhiệm vụ cụ thể xác định công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn là Viện trưởng Viện KSND các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân của Viện trưởng Viện KSND theo quy định của Luật Tiếp công dân và quy định của Ngành.

Đơn vị kiểm sát, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp tiếp công dân phải thường xuyên và phối hợp với đơn vị nghiệp vụ có liên quan xác định thời gian tiếp công dân đối với từng vụ việc cụ thể nhằm giải quyết kịp thời và dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo.

Quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với các đơn cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí chuyển đến, đôn đốc các đơn vị, bộ phận liên quan thông báo kết quả định kỳ, hàng tháng báo cáo về Viện KSND tối cao (qua Vụ 12).

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, Viện KSND các cấp cần quan tâm thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và đảm bảo nội dung trong các văn bản giải quyết; chủ động tham mưu giải quyết dứt điểm những đơn khiếu nại, tố cáo; không để xảy ra khiếu kiện bức xúc, kéo dài do chậm giải quyết hoặc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ việc có liên quan.

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Viện KSND cấp dưới giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; chú trọng các khiếu nại về oan sai và bỏ lọt tội phạm; kịp thời phát hiện sai sót, vi phạm để khắc phục ngay; hạn chế tối đa quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành có sai sót đến khi Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra lại mới phát hiện, yêu cầu sửa chữa, hoặc hủy bỏ gây khó khăn cho quá trình giải quyết tiếp theo.

Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, có sự quan tâm của dư luận hoặc kiến nghị của nhiều cơ quan có thẩm quyền, quá trình giải quyết cần tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo; qua đó kết hợp với việc giải thích, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật để người khiếu nại, tố cáo tôn trọng, chấp hành kết quả giải quyết của Viện KSND, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; trường hợp gặp khó khăn, phức tạp trong việc xử lý, giải quyết thì kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên.

Trả lời đầy đủ, kịp thời các chất vấn, kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân và đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội chuyển đến có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị.

MỚI - NÓNG