Năm 2018 tiếp tục là năm cao điểm về an toàn thực phẩm

Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với lực lượng công an phát hiện, xử lý việc bơm thuốc an thần cho trên 3.000 con heo tại lò mổ Xuyên Á (TPHCM).
Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với lực lượng công an phát hiện, xử lý việc bơm thuốc an thần cho trên 3.000 con heo tại lò mổ Xuyên Á (TPHCM).
TP - Năm 2017, vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP) đã có chuyển biến tích cực, vấn đề chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi được khống chế; tỷ lệ mẫu thịt, thủy sản vượt chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, tỷ lệ mẫu rau quả… chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Bộ NN&PTNT tiếp tục lấy năm 2018 là năm cao điểm về vấn đề ATTP.

Đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản-Nafiqad (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp mạnh, nên năm 2017, vấn đề kiểm soát ATTP đã có chuyển biến tích cực, nhất là những vấn đề “nóng” lâu nay như việc sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Tiệp, qua chương trình giám sát, lấy gần 8.100 mẫu nước tiểu, trên 1.050 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, nhưng không phát hiện ra mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol (năm 2016 vẫn phát hiện 0,44% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol). Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0.63% (21/3341 mẫu) giảm gần 3 lần so với năm 2016.

Cùng đó, tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu), giảm  so với năm 2016 là 1,07%. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng cảnh báo, trong gần 10.800 mẫu thịt được lấy phân tích, có tới 2.877 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh (Samolnenla, Ecoli), chiếm tỷ lệ 26,7%, tăng so với năm 2016 là 9,35%.

Nói về vấn đề trên, lãnh đạo Cục Thú y cho biết, điểm thú y lấy mẫu phân tích các loại vi khuẩn Samolnenla và Ecoli là các cơ sở giết mổ (tập trung vào hai trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM). Kết quả cho thấy, Hà Nội - nơi còn nhiều lò mổ nhỏ lẻ, thủ công có tỷ lệ vấy nhiễm vi sinh vật cao hơn hẳn TPHCM - nơi có nhiều cơ sở giết mổ quy mô lớn.

Liên quan đến các mặt hàng rau, củ, quả, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho biết, năm qua, Cục đã tăng cường lấy mẫu, chủ động giám sát ATTP ngay tại các vùng rau, củ, quả lớn, qua đó chủ động nắm bắt tình hình và có biện pháp chỉ đạo xử lý. 

Về hàng nhập khẩu, theo ông Trung, năm 2017, Cục đã kiểm tra gần 74.000 lô rau, củ, quả, hạt nhập khẩu với gần 5,2 triệu tấn nhập từ hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong tổng số hơn 1.000 mẫu rau, củ, quả được lấy để phân tích dư lượng thuốc BVTV và độc tố nấm, kim loại nặng, không có mẫu nào vượt mức quy định chỉ tiêu kim loại nặng và độc tố Aflatoxin; 1/503 mẫu (chiếm 0,2%) phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt mức dư lượng tối đa cho phép.

Cũng trong năm 2017, qua xét nghiệm hàng trăm nghìn mẫu sản phẩm động vật, thủy sản nhập khẩu, cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt 16 doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm sử dụng làm thực phẩm  có mẫu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật.

Tiếp tục thanh, kiểm tra đột xuất

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, năm 2017, công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả, chuyển hướng từ thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh...Đây là hướng sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, từ năm 2016 trở lại đây, nhờ chuyển đổi cách thức thực hiện, đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...

Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng xử phạt mạnh tay (nhiều vụ việc được đề nghị xử lý ở mức “kịch khung” theo quy định của pháp luật), nêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm ATTP lên tới gần 80 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bất chính không dám vi phạm hoặc tái phạm.

Trong đó, Thanh tra Bộ phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á (TPHCM), xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo tiêm thuốc an thần. 

Đặc biệt, trong năm 2017, tình hình bơm tạp chất vào tôm khá phức tạp. Các đơn vị trực thuộc Bộ đã phối hợp tích cực với Bộ Công an (A86) tiến hành thanh tra đột xuất tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hà Nội,... phát hiện nhiều vụ vi phạm và xử lý nghiêm minh. Báo cáo phản hồi mới nhất của các tỉnh, thành phía Nam cho thấy, vấn đề bơm tạp chất vào tôm đã giảm…

Tại cuộc họp giao ban về ATTP mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tiếp nối thành công hai năm qua, năm 2018 sẽ tiếp tục là năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP. Trước mắt, toàn ngành phải vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Y tế và các địa phương để bảo đảm ATTP trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.