Càng mạnh tay với chất cấm: Thủ đoạn phạm tội càng tinh vi

Càng mạnh tay với chất cấm: Thủ đoạn phạm tội càng tinh vi
Nếu chỉ xử phạt thực phẩm bẩn dựa trên kiểm tra bằng mắt nhìn hay bắt quả tang hiện trường, chắc chắn sẽ lọt lưới nhiều thủ đoạn vi phạm khó lường.

Ngâm tẩm thực phẩm kiểu “du kích”, ngụy trang

Tháng 7/2016, tại tỉnh Hậu Giang, sau hơn một tháng theo dõi, lực lượng chức năng đã bắt quả tang một vụ bơm nước cho lợn được thực hiện tinh vi. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đưa lợn lên thuyền để tiêm thuốc an thần rồi bơm nước ngay trên sông Cái Nhum, thay vì tại các cơ sở tập trung như trước. Khi được đưa về lò mổ, lợn đã tỉnh thuốc nên cán bộ thú ykiểm tra bằng mắt thường không phát hiện được gì.

Tại Hà Nội, hồi tháng 6/2016 cũng xuất hiện nghi vấn có lợn mán “bẩn” được bày bán trong chợ tạm B6 Thành Công. Trước thông tin này, trạm thú y quận Ba Đình đã đi kiểm tra nhưng sau khi quan sát đã xác nhận đây là lợn sạch chứ không lấy mẫu xét nghiệm. Sự việc chỉ được làm rõ khi cơ sở cung cấp nguồn lợn mán này bị đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện sử dụng lợn mắc bệnh truyền nhiễm để giết thịt, thui vàng cho đẹp mắt rồi cung cấp cho các chợ.

Kiểm tra mắt thấy tay sờ: không đủ cơ sở xử phạt

Tình trạng sử dụng hóa chất và nguyên liệu độc hại trong sản xuất và chế biến thực phẩm diễn ra phổ biến ở nước ta trong 2 năm vừa qua, dẫn đến sự “bùng nổ” của cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Thế nhưng, mỗi khi pháp luật siết chặt quản lý, mà gần đây nhất là việc nâng khung hình phạt với các vi phạm về quy định ATTP được áp dụng từ 1/7, các đối tượng phạm tội lại “rút kinh nghiệm” để tiếp tục hoạt động tinh vi hơn.

Từ việc phù phép biến thịt lợn ôi thành thịt bò tươi ngon nhờ “tẩm ướp gia vị”, cho đến tẩy trắng dừa bằng chất axit oxalic không màu không mùi nhưng có thể gây ngộ độc cấp tính. Các thành phẩm qua xử lý hóa chất có màu tự nhiên, khó nhận biết bằng mắt thường, vì thế dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Với những loại chất cấm dùng để trộn lẫn thức ăn chăn nuôi, các đối tượng cũng không trộn sẵn vào các bao thức ăn rồi bán hàng loạt như trước. Giờ đây chất cấm được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trực tiếp mua và sử dụng nên nếu khó kiểm tra được hết. Khi những cái tên như vàng ô, Salbutamol vừa kịp trở nên quen thuộc, thì loại chất cấm mới là Cysteamine đã xuất hiện trên thị trường. Đây là chất tiền hoócmôn tạo nạc có tác dụng tăng trọng cho gia súc, gia cầm, mặc dù chất này có tên trong danh sách cấm sử dụng tại Việt Nam.

Với các phương thức hoạt động kín đáo như vậy, nếu chỉ xử lý dựa vào kết quả kiểm tra cảm quan hoặc bắt quả tang hiện trường, chắc chắn sẽ còn nhiều loại thực phẩm bẩn khác lọt đến tay người tiêu dùng.

“Mời” máy kiểm nghiệm vào cuộc

Quy định pháp luật đã có. Nhưng để thực sự phạt tù, phạt tiền các vi phạm một cách thích đáng, các cơ quan quản lý cần một công cụ giám sáthiệu quả và không thể dễ dàng bị qua mắt. Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn này, công cụ đó chính là việc kiểm nghiệm ATTP do các đơn vị khoa học uy tín thực hiện.

Thạc sĩ Lý Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Phân tích sắc ký – Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), nhận định: “Các đơn vị kiểm nghiệm là lực lượng đi đầu trong việc phát hiện và thiết lập quy trình phân tích các chỉ tiêu chất cấm “nóng”, nhờ đó cung cấp những bằng chứng khách quan về chất lượng ATTP cho các cơ quan chức năng.

Các hóa chất được sử dụng nhiều hiện nay trong chăn nuôi như Salbutamol, Melanine, Auramine (vàng ô), Chloramphenicol đều là các chỉ tiêu nằm trong danh mục chất cấm nhóm B của châu Âu. Vì vậy, các phương pháp theo đúng các chuẩn mực quốc tế như phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ 2 lần LC/MS/MS hoặc sắc ký lỏng ghép khối phổ 2 lần GC/MS/MS luôn được ưu tiên. Với loại chất mới như Cysteamine, CASE cũng đã nhanh chóng thẩm định quy trình định lượng Cysteamine trong thức ăn chăn nuôi bằng phương pháp sắc ký khí với ngưỡng phát hiện 0.01%.”

Tuy nhiên, kiểm nghiệm chỉ chính xác thôi thì chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, mà còn phải quan tâm đến sự nhanh chóng của quy trình. Cũng theo Thạc sĩ Kiệt, có nhiều trường hợp trong khoảng thời gian từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả phân tích, sản phẩm vì không đủ cơ sở tịch thu nên đã được mang ra thị trường tiêu thụ hết. Lúc đó, dù có bằng chứng để xử nặng cơ sở vi phạm thì một lô thực phẩm độc hại cũng đã kịp đến tay người dân.

Do vậy, “hàng năm, CASE tiến hành thẩm định, tham gia so sánh liên phòng, đánh giá tay nghề nhân viên với các chỉ tiêu quan trọng để mang lại kết quả chính xác nhất, nỗ lực giảm thời gian và chi phí nhằm hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.”

Giảm chi phí, tăng hiệu quả quản lý ATTP

Mặc dù vậy, hIện nay, việc đưa kiểm nghiệm thành một phần tất yếu vào quy trình thanh tra còn nhiều bất cập. Các thiết bị test nhanh khá đắt đỏ, một bộ kit tổng hợp 16 chỉ tiêu có giá trên 10 triệu nên không thể trang bị cho từng địa phương, bộ ngành. Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), hiện mới chỉ có một số thiết bị thử nhanh Salbutamol trong thịt, hàn the trong giò chả, còn lại nếu không đem mẫu đi xét nghiệm thì chủ yếu chỉ có thể kiểm tra bằng mắt thường.

Trong khi đó, nếu chỉ phụ thuộc vào các phòng kiểm nghiệm lớn như Viện dinh dưỡng quốc gia,Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QUATEST)… thì không những sẽ làm tốn kém chi phí, thời gian bảo quản và vận chuyển mẫu, mà còn gây nguy cơ quá tải lên những đơn vị này. Vì thế, nên mở rộng hệ thống phòng phân tích thí nghiệm ATTP bằng cách sử dụng và trang bị lại các cơ sở đã có.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm CASE, cho rằng nếu mỗi bộ, ngành, địa phương tự trang bị phòng thí nghiệm để phục vụ cho lĩnh vực và khu vực mình quản lýsẽ gây ra lãng phí lớn do không sử dụng được hết công suất thiết bị, sự đầu tư của nhà nước bị trùnglắp tại nhiều nơi. Chỉ riêng tại TP.HCM, tính đến năm 2008 đã có trên 900 phòng phân tích chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc 17 lĩnh vực thử nghiệm khác nhau, với quy mô, trình độ kỹ thuật công nghệ và máy móc thiết bị đa dạng.

Để giải quyết vấn đề chi phí và hiệu quả cho việc quản lý ATTP, phương án phù hợp sẽ là nâng cấp các phòng thí nghiệm hiện có của một số đơn vị thuộc các sở, ban ngành có năng lực thực tế và đã được VILAS công nhận. Điều này chắc chắn sẽ vừa tiết kiệm ngân sách đầu tư mà nhà nước phải bỏ ra, vừa đảm bảo các cơ sở có thể ngay lập tức đi vào hoạt động, phục vụ kịp thời nhu cầu của cộng đồng trong thời điểm “nóng bỏng” này.

MỚI - NÓNG