Năm 2012, kéo lạm phát xuống 9%

2012 là năm Chính phủ quyết tâm cao kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô (người dân mua hàng tại siêu thị Big C, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
2012 là năm Chính phủ quyết tâm cao kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô (người dân mua hàng tại siêu thị Big C, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mục tiêu năm tới tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu giữ lạm phát ở mức 9%.

> Chính phủ họp với các địa phương triển khai nhiệm vụ 2012
> Hà Nội: Ế ẩm giao dịch sàn BĐS

2012 là năm Chính phủ quyết tâm cao kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô (người dân mua hàng tại siêu thị Big C, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
2012 là năm Chính phủ quyết tâm cao kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô (người dân mua hàng tại siêu thị Big C, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lạm phát 2011 tăng 18,12%

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, lạm phát đã giảm ở những tháng cuối năm nhưng cả năm vẫn cao. Năm 2012 tăng 18,12% trong khi kế hoạch Quốc hội đặt ra là khoảng 7%. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm những vẫn còn cao.

Trong năm 2012, theo Phó Thủ tướng phải hướng đến điều hành lạm phát mục tiêu. Quản lý chặt chẽ nợ công, sử dụng có hiệu quả vốn vay để trả được nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh cho DN nhà nước.

Trong điều hành tiền tệ, sẽ thực hiện giảm mặt bằng lãi suất và tỷ lệ nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng ở mức 15- 17%; tăng cường quản lý ngoại hối; thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát thị trường ngoại tệ và vàng…

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, nước sạch…; dự báo tác động do biến động giá của các mặt hàng này đối với chỉ số giá tiêu dùng để có giải pháp kiểm soát phù hợp.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Khuyến khích tự nguyện sáp nhập, mua lại ngân hàng

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, trong tái cơ cấu đầu tư công, các địa phương phải sắp xếp sao cho hiệu quả nhất trong tổng mức phân bổ, giảm bớt xin- cho. Tới đây sẽ xây dựng nghị định của Chính phủ về đầu tư trung và dài hạn.

Chính phủ cũng khẳng định quyết tâm tái cơ cấu DN Nhà nước. Đối với những ngành kinh doanh không liên quan, nhất là ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm thì các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015 bằng các phương án: Một, bán toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ-tập đoàn/tổng công ty cho các tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn, tổng công ty; không được bán hoặc chuyển giao trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty.

Hai, chuyển giao toàn bộ số cổ phần, phần góp vốn sang tập đoàn, tổng công ty nhà nước có chuyên ngành kinh doanh chính thuộc các lĩnh vực tương ứng. Ba, chuyển giao hoặc sáp nhập, hợp nhất toàn bộ DN do tập đoàn, tổng công ty nắm giữ 100% vốn với tập đoàn, tổng công ty và DN có cùng ngành nghề kinh doanh với DN được chuyển giao, hợp nhất hay sáp nhập.

Thí điểm lựa chọn tái cơ cấu tài chính một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là đối với các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá như xăng, dầu, điện, than… để xác định đúng lãi lỗ, thúc đẩy công khai, minh bạch.

Về giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, khuyến khích hợp nhất, sáp nhập, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền. Trong giai đoạn hiện nay, không sử dụng giải pháp phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị, cùng với kiềm chế lạm phát phải nâng cao chất lượng tín dụng, tháo gỡ khó khăn, có lộ trình hạ lãi suất vay, nếu không DN hết sức khó khăn. Cắt giảm đầu tư phải đi liền tái cơ cấu đầu tư, ban hành Luật Đầu tư, bổ sung cơ chế thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Hà Nội hiện nay nóng bỏng là vấn đề ùn tắc giao thông do hạ tầng thấp kém, gia tăng phương tiện cá nhân. Do vậy cần huy động nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông công cộng, nhưng suất đầu tư rất lớn, 2.000 tỷ đồng cho 1 km tàu điện ngầm.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng bày tỏ: “Chúng tôi nhận khuyết điểm về ùn tắc giao thông, nhưng nguyên nhân là diện tích đường thành phố chỉ chiếm 5% cả nước nhưng lượng phương tiện quá lớn, tới 5,2 triệu xe máy, 600 nghìn ô tô”. Ông Quân cho rằng, hệ thống chính sách cũng phải tái cấu trúc, vừa qua 1 người thành lập được 39 DN với vốn đăng ký hơn 5 nghìn tỷ đồng, trong khi chỉ có hơn 10 tỷ đồng vốn.

Thành lập nhiều DN nhưng vốn không có bao nhiêu mà chỉ từ ngân hàng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cùng nhận định, hiện nay nguồn vốn chủ yếu từ các ngân hàng, nếu năm 2012 tiếp tục thắt chặt thì lo ngại gãy đổ, ảnh hưởng ngân hàng. Ông Cung cho rằng, Việt Nam cần chọn khâu đột phá, lợi dụng tình hình để đi lên. Nhiều nước đang khủng hoảng suy yếu thì chúng ta cần tận dụng thu hút đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mục tiêu năm 2012 tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi không thể chủ quan thấy giá cả 6 tháng cuối năm giảm mà đưa tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng thì nảy sinh phức tạp. Cần kéo lạm phát xuống dưới 10%, phấn đấu ở mức 9%. Kiểm soát nhập siêu ở mức 10%. Tiếp tục giảm bội chi ngân sách xuống 4,8% GDP nên phải cắt giảm đầu tư công.

“Ưu tiên kéo lạm phát xuống chứ không phải ưu tiên phục hồi tăng trưởng”- Thủ tướng nhấn mạnh. Không ưu tiên tăng trưởng cao nhưng giữ ở mức hợp lý là 6%, có điều kiện thuận lợi thì tăng 6,5%.

Bộ Công an thực hiện 2 xây, 2 phá

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, trước mắt sẽ tập trung thực hiện 2 xây, 2 phá. Đó là phá băng nhóm tội phạm; phá tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội. Xây những khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng lực lượng bảo vệ pháp luật, lực lượng ở cơ sở vững mạnh, không để bị tội phạm lợi dụng.

Chỗ nào để tội phạm lôi kéo, bảo kê cho tội phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ trước sự tấn công, lôi kéo của các thế lực thù địch và tội phạm. Bởi gần đây phát hiện tội phạm kinh tế rất nghiêm trọng có sự móc nối của tội phạm bên ngoài với cán bộ thoái hóa biến chất bên trong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG