Myanmar: 20 người biểu tình thiệt mạng, nhà máy Nhật Bản bị tấn công

0:00 / 0:00
0:00
Một người bị thương giơ biểu tượng 3 ngón tay ủng hộ dân chủ. Ảnh: Reuters
Một người bị thương giơ biểu tượng 3 ngón tay ủng hộ dân chủ. Ảnh: Reuters
TPO - Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết ít nhất 20 người đã thiệt mạng ở Myanmar hôm thứ Hai, 15/3, trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính.

Thông tin này chưa được chính quyền quân sự xác nhận.

Trong khi đó, Reuters đưa tin sáu người đã tử vong, còn AFP xác nhận số người tử vong là 11 người.

Cả Liên Hợp Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Anh đều lên tiếng phản đối các biện pháp bạo lực, mà theo Liên Hợp Quốc, “đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 138 người biểu tình ôn hòa”. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar dường như không để ý đến lời kêu gọi kiềm chế.

Myanmar: 20 người biểu tình thiệt mạng, nhà máy Nhật Bản bị tấn công ảnh 1

Người biểu tình ở Yangon ngày 14/3. Ảnh: NY Times

Myanmar: 20 người biểu tình thiệt mạng, nhà máy Nhật Bản bị tấn công ảnh 2

Người dân dựng tường bao cát ở Mandalay ngày 15/3. Ảnh: Reuters

Myanmar: 20 người biểu tình thiệt mạng, nhà máy Nhật Bản bị tấn công ảnh 3

Người biểu tình bị thương được đưa đi cấp cứu. Ảnh: NY Times

Chủ nhật, 14/3, là ngày đẫm máu nhất kể từ sau cuộc đảo chính ở Myanmar, khi 38 người biểu tình thiệt mạng vì bị lực lượng an ninh đàn áp.

Nhưng con số này không ngăn được dòng người biểu tình xuống phố vào thứ Hai.

Phần lớn những người thiệt mạng ngày 15/3 là người biểu tình chống đảo chính. Nhưng các nhân chứng cho biết trong số những nạn nhân, còn có cả dân thường không tham gia biểu tình.

“Thương vong đang gia tăng đáng kể”, AAPP cho biết trong một tuyên bố ngày 16/3, đồng thời cho biết thêm rằng tổng cộng hơn 180 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

Tờ Global Times ngày 15/3 đưa tin đã có ít nhất 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở khu vực Hlaingthaya của Yangon đã bị đốt phá, thiệt hại tài sản lên tới 37 triệu đô la Mỹ, và khiến hai người bị thương.

Cùng lúc đó, Japan’s Fast Retailing Co (Nhật Bản) cho biết hôm thứ Ba rằng hai nhà máy của công ty này ở Myanmar đã bị phóng hỏa.

Trong một diễn biến liên quan, phiên tòa của bà Aung San Suu Kyi – cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar dự kiến diễn ra hôm thứ Hai đã bất ngờ bị hoãn.

“Không thể dự tòa vì không có Internet”, luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi nói.

Chính quyền Myanmar được cho là đã “bóp” băng thông Internet để hạn chế việc lan truyền các thông tin liên quan đến biểu tình.

Bà Suu Kyi hiện đang phải đối mặt với ít nhất bốn cáo buộc. Giới quân sự cũng cho rằng bà Suu Kyi đã nhận hối lộ. Nhưng luật sư của bà Suu Kyi khẳng định đây là cáo buộc vô căn cứ.

Theo Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG