Thứ Năm, 11/3, là một trong những ngày đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ sau khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1/2.
Trong số 12 thiệt mạng, có tám người ở thị trấn Myaing.
Tại thành phố Yangon, ít nhất 1 người biểu tình – có tên Chit Min Thu – đã thiệt mạng. Vợ người này – Aye Myat Thu – nói với Reuters rằng chồng của cô khăng khăng muốn tham gia biểu tình, dù bị vợ ngăn cản vì con trai còn nhỏ.
“Anh ấy nói việc hi sinh là xứng đáng”, Aye Myat Thu nói trong nước mắt. “Anh ấy lo lắng về việc mọi người không tham gia biểu tình. Nếu vậy, nền dân chủ sẽ không bao giờ quay trở lại.”
Cuộc đổ máu xảy ra vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi quân đội kiềm chế bạo lực.
Các nhà hoạt động dân chủ kêu gọi người dân tiếp tục đấu tranh và xuống đường vào thứ Sáu.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết số người biểu tình thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính đã lên tới hơn 70 người. Khoảng 2.000 người đã bị giam giữ.
Cũng trong ngày thứ Năm, phát ngôn viên chính quyền quân sự - Tướng Zaw Min Tun tiết lộ cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã nhận hối lộ 600.000 đô la Mỹ cũng một khối lượng lớn vàng.
Việc bổ sung cáo buộc tham nhũng nhằm vào bà Suu Kyi đồng nghĩa với việc bà có thể sẽ phải đối mặt với mức án nặng nề hơn. Trước đó, bà Suu Kyi đã bị cáo buộc tới 4 tội danh, bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp 6 bộ đàm, và vi phạm quy tắc phòng dịch COVID-19.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi gọi lời cáo buộc của chính quyền quân đội là “một trò đùa”.
“Bà ấy có thể phạm một số sai lầm khác, nhưng bà ấy không bao giờ làm trái các nguyên tắc đạo đức”, ông Khin Maung Zaw nói.